Khung cảnh tàn phá tại Bệnh viện Al Shifa, ngày 1/4. Ảnh: AFP |
“Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Cơ quan An ninh Israel (ISA) đã hoàn thành hoạt động tác chiến chính xác vào khu vực Bệnh viện Al Shifa và đã rời khỏi khu vực bệnh viện,” Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết trong tuyên bố ngày 1/4, theo CNN.
Theo IDF, trong suốt chiến dịch đột kích bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza - bắt đầu từ ngày 18/3, quân đội Israel đã bắt giữ khoảng 900 nghi phạm, trong đó xác định hơn 500 người là thành viên của lực lượng Hamas và Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ).
IDF cũng tuyên bố đã tiêu diệt hơn 200 tay súng, trong đó có người đứng đầu của 2 nhóm vũ trang trong những cuộc chạm trán ở cự ly gần; “tìm thấy nhiều vũ khí và tài liệu tình báo khắp bệnh viện; đồng thời ngăn chặn tổn hại đối với dân thường, bệnh nhân và đội ngũ y tế”.
Ông Mahmoud Bassal – một người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Gaza, nói với CNN rằng Bệnh viện Al Shifa - cơ sở y tế lớn nhất của Dải Gaza đã “bị phá hủy hoàn toàn". Các nhân chứng khác cũng mô tả rằng cảnh tượng sau khi họ quay trở lại khu vực Bệnh viện Al Shifa là “sự tàn phá”.
Ông Mohammed Mahdi nói rằng mọi thứ tại Al Shifa đã “hoàn toàn bị hủy diệt”. Ông cho biết một số tòa nhà đã bị thiêu rụi. Một người khác là Yahia Abu Auf, cho biết máy ủi của quân đội Israel đã cày nát một nghĩa trang tạm thời bên trong khuôn viên bệnh viện.
Hamas chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của quân đội Israel.
Khói bốc lên ở Bệnh viện Al Shifa, Dải Gaza, sau khi Israel đánh bom vào cơ sở này, ngày 21/3. Ảnh: Getty Images |
Quân đội Israel lần đầu tiên đột kích bệnh viện Al-Shifa vào tháng 11/2023. Chiến dịch tấn công thứ hai của IDF vào cơ sở này diễn ra bất chấp việc trước đó họ cho biết đã hoàn thành việc dỡ bỏ cơ cấu chỉ huy của Hamas ở phía bắc Gaza vào hồi tháng 1 năm nay.
IDF cho biết dân thường, các bệnh nhân và đội ngũ y tế trong bệnh viện đã được sơ tán để tránh cuộc tấn công. Tuy nhiên, giới chức Palestine đã báo cáo về tình hình thương vong tại đây.
Cũng trong tuyên bố ngày 1/4, IDF cho biết, tại vùng trung tâm Gaza, máy bay trực thăng đã thực hiện cuộc tấn công vào một tòa nhà được Hamas sử dụng và một tòa nhà khác bị gài bẫy và được các thành viên Hamas sử dụng để theo dõi.
Trong các cuộc không kích khác ở Gaza, IDF cho biết quân đội đã tiêu diệt các tay súng gây ra “mối đe dọa ngay lập tức” đối với lực lượng bộ binh Israel. Tại Khan Younis ở phía nam Gaza, IDF cho biết quân đội của Lữ đoàn đặc công và Lữ đoàn Givati đang tiếp tục chiến đấu với Hamas ở khu vực al-Amal.
Trong chiến dịch ở al-Amal, quân đội israel đã tiêu diệt và bắt giữ nhiều tay súng trong trận cận chiến và xác định vị trí các kho vũ khí. Tại một khu vực khác của Khan Younis, IDF cho biết Lữ đoàn Thiết giáp số 7 và Lực lượng Không quân Israel đã tấn công một số mối đe dọa từ Hamas, bao gồm một chiếc xe tải đang chạy về phía quân đội và một chiếc ô tô khác chở đặc vụ bên trong.
Tính tới ngày 31/3, Cơ quan Y tế Gaza cho biết có ít nhất 32.782 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel tấn công khu vực này. Con số trên không phân biệt dân thường và chiến binh, nhưng cơ quan này khẳng định phụ nữ và trẻ em chiếm khoảng 2/3 số người thiệt mạng.
Giao tranh phá hỏng nhiều cơ sở hạ tầng cũng như buộc phần lớn dân số phải rời khỏi nhà của mình và gây ra nguy cơ thảm họa nhân đạo. Liên Hợp Quốc và các đối tác đã nhiều lần đưa ra cảnh báo nạn đói có thể xảy ra ở phía bắc Gaza bị tàn phá và cô lập, đồng thời kêu gọi Israel cho phép viện trợ nhiều hơn nữa bằng đường bộ do việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo bằng đường biển và đường hàng không là chưa đủ.
Phản ứng lại các tuyên bố trên, Israel khẳng định không đặt ra giới hạn cho việc cung cấp viện trợ, đồng thời đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế khác về việc không phân phối thêm viện trợ.