Các thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại The Hague, Hà Lan, ngày 26/1/2024. Ảnh: Reuters |
Ngày 13/2, Nam Phi đã yêu cầu ICJ xem xét việc thông qua các biện pháp khẩn cấp bổ sung để bảo vệ quyền của người Palestine trong bối cảnh chính phủ Israel chuẩn bị tiến hành kế hoạch mở rộng cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở Gaza.
Một tuyên bố do Tổng thống Nam Phi đưa ra vào thời điểm đó cho biết quốc gia này “vô cùng lo ngại rằng cuộc tấn công quân sự chưa từng có nhằm vào Rafah, như Israel tuyên bố, đã dẫn đến và sẽ dẫn đến hậu quả về nhân mạng, tổn hại và hủy diệt trên quy mô lớn hơn nữa”.
Tới ngày 15/2, theo hãng tin Reuters trích dẫn các tài liệu do ICJ công bố, Israel lập luận rằng các biện pháp khẩn cấp được ban hành vào 3 tuần trước đã bao trùm cả “tình hình chiến sự ở Gaza nói chung” và tòa án do đó nên từ chối yêu cầu của Nam Phi.
Ngày 26/1, ICJ phán quyết rằng Israel cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc diệt chủng, bao gồm việc hạn chế làm hại hoặc giết hại người dân Palestine. Đồng thời, tổ chức này cũng đưa ra phán quyết rằng Israel phải khẩn cấp nhận viện trợ cơ bản cho Gaza cũng như tiến hành trừng phạt bất kỳ hành vi kích động diệt chủng nào.
Chủ tịch tòa án ICJ Joan E. Donoghue cho biết: “Tòa án nhận thức sâu sắc về mức độ thảm kịch lên con người đang diễn ra trong khu vực và quan ngại sâu sắc về tình trạng mất mát nhân mạng và đau khổ liên tục của con người”. Có tổng cộng 6 mệnh lệnh được đa số thẩm phán chấp thuận đã được đưa ra, tuy nhiên quyết định ngày 26/1 chỉ là một phán quyết tạm thời.
Israel đã bác bỏ mọi cáo buộc diệt chủng liên quan đến cuộc chiến chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas.
Yêu cầu trên được Israel đưa ra trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiến hành kế hoạch mở rộng cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Ngày 9/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh cho các quan chức quân sự và an ninh đưa ra “một kế hoạch kết hợp” bao gồm việc sơ tán người dân thường trên diện rộng và đồng thời tiêu diệt lực lượng Hamas. Ông khẳng định Israel tìm kiếm một “chiến thắng toàn diện”, trong đó bao gồm việc phá hủy khả năng quản lý và quân sự của Hamas, đồng thời đưa tất cả con tin về nhà.
Theo nhà lãnh đạo Israel, nguyên nhân Israel tiến hành tấn công thành phố Rafah là do nơi này hiện là thành trì cuối cùng còn sót lại của lực lượng Hamas sau 4 tháng giao tranh dữ dội.
Tuy nhiên, động thái này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm cả chính phủ Mỹ.
Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định cách hành xử của Israel trong cuộc giao tranh là "quá mức”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel trong cùng ngày khẳng định việc tiến hành một cuộc tấn công “không có kế hoạch và thiếu suy nghĩ trong một khu vực có hàng triệu người trú ẩn sẽ là một thảm họa”. Trong khi đó, John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah “không phải là điều chúng tôi sẽ ủng hộ”.
Ngoài chính phủ Mỹ, chính phủ Ai Cập cũng bày tỏ sự phản đối khi đưa ra lời cảnh cáo bất kỳ việc di chuyển nào của người Palestine qua biên giới vào Ai Cập sẽ đe dọa đến hiệp ước hòa bình kéo dài 4 thập kỷ giữa Israel và Ai Cập.