Khai hội đền Tranh tại Hải Dương và công bố di tích là điểm du lịch

Khai hội đền Tranh tại Hải Dương và công bố di tích là điểm du lịch

đền Tranh Ninh Giang
17:14 - 19/03/2024
Lễ hội truyền thống đền Tranh năm nay có thêm ý nghĩa bởi di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia của đền vừa được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trao quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Tranh là điểm du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trao quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Tranh là điểm du lịch.

Sáng 19/3 (tức 10/2 âm lịch), tại Di tích đền Tranh, xã Đồng Tâm, UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) long trọng tổ chức khai mạc lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 và công bố quyết định công nhận di tích đền Tranh là điểm du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Thành Vạn phát biểu khai mạc lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Thành Vạn phát biểu khai mạc lễ hội.

Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết, hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, cán bộ và nhân dân huyện Ninh Giang cùng các đại biểu khách quý, du khách thập phương lại tụ hội về đây làm lễ dâng hương kỷ niệm ngày sinh của đức Thánh quan lớn Tuần Tranh.

Đền thờ quan lớn Tuần Tranh tọa lạc tại Ninh Giang có lịch sử lâu đời, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 1214/QĐ-BVHTTDL ngày 23/3/2009; Lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 781/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2022 và mới đây, ngày 21/12/2023 UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 3110/QĐ-UBND công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm là điểm du lịch.

Bí thư Huyện ủy Ninh Giang Phạm Văn Khảnh gióng trống khai hội.

Bí thư Huyện ủy Ninh Giang Phạm Văn Khảnh gióng trống khai hội.

Dự lễ khai hội có đại diện lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu, nhân dân, du khách thập phương.

Dự lễ khai hội có đại diện lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu, nhân dân, du khách thập phương.

“Đây thực sự là niềm vinh hạnh và tự hào của cán bộ và cộng đồng nhân dân tại địa phương,” Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Thành Vạn bày tỏ.

Về giá trị văn hóa phi vật thể - đền Tranh còn bảo lưu được nhiều trầm tích văn hóa với rất nhiều các sự lệ trong năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Đọc Chúc văn tri ân công lao của quan lớn Tuần Tranh.

Đọc Chúc văn tri ân công lao của quan lớn Tuần Tranh.

Đền thờ quan lớn Tuần Tranh - hàng quan lớn trong hệ tứ phủ thuộc tín ngưỡng Đạo Mẫu. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, mỗi năm vào tháng 2 và tháng 8 là các kỳ lễ hội chính, ngoài ra còn có Lễ tiệc quan ngày 25 tháng 5 âm lịch.

Đại diện lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng và các đại biểu thắp hương tại đền Tranh.

Đại diện lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng và các đại biểu thắp hương tại đền Tranh.

Nhân dân và du khách thắp hương tại đền Tranh.

Nhân dân và du khách thắp hương tại đền Tranh.

Ngày lễ trọng của kỳ lễ hội thứ nhất là ngày 10/2 âm lịch, tương truyền kỷ niệm ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh; lễ trọng của kỳ lễ hội thứ 2 là ngày 22/8 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo - người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ thứ XIII.

Trình diễn hát văn tại đền Tranh, tối 18/3.

Trình diễn hát văn tại đền Tranh, tối 18/3.

Đại diện Ban tổ chức lễ hội tặng Giấy khen cho các thanh đồng tham gia trình diễn hát văn tại đền Tranh, tối 18/3.

Đại diện Ban tổ chức lễ hội tặng Giấy khen cho các thanh đồng tham gia trình diễn hát văn tại đền Tranh, tối 18/3.

Các sự lệ và lễ hội trong năm tại đền Tranh thể hiện ước vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của cộng đồng nhân dân tại địa phương. “Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa tại đền Tranh và di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Tranh đã làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật của một vùng quê văn hiến có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,” ông Nguyễn Thành Vạn nhấn mạnh.

Các đoàn thực hiện và tham gia lễ rước nước diễn ra sáng 19/3.

Các đoàn thực hiện và tham gia lễ rước nước diễn ra sáng 19/3.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, hôm nay UBND huyện cùng chính quyền và nhân dân xã Đồng Tâm long trọng tổ chức khai mạc lễ hội đền Tranh - xuân Giáp Thìn 2024 và công bố Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm là điểm du lịch với mong muốn tiếp tục bảo vệ, phát huy và làm giàu thêm những di sản văn hóa đã tồn tại hàng nghìn năm nay trên mảnh đất này, được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Đồng thời giới thiệu với du khách thập phương về một điểm đến lý tưởng, điểm du lịch văn hóa tâm linh, về mảnh đất, con người Ninh Giang, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Nghi thức lấy nước trong lễ rước nước tại ngã ba Tranh, sông Luộc (xưa kia gọi là ngã ba sông Hóa) thuộc địa phận thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang (Hải Dương).

Nghi thức lấy nước trong lễ rước nước tại ngã ba Tranh, sông Luộc (xưa kia gọi là ngã ba sông Hóa) thuộc địa phận thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang (Hải Dương).

Tại lễ khai hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã trao quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Tranh, xã Đồng Tâm là điểm du lịch. Sau lễ khai mạc và công bố quyết định, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương thắp hương tri ân công lao của Quan lớn Tuần Tranh.

Đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thủy hành vân làm rộn rã cả một vùng rộng lớn.

Đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thủy hành vân làm rộn rã cả một vùng rộng lớn.

Trước đó, tối 18/3 (9/2 âm lịch) tại cổng đền đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội truyền thống đền Tranh năm 2024, trình diễn hát văn tại đền Tranh.

Những người tham gia trực tiếp vào lễ rước phải trong trang phục lễ hội, tùy từng thành phần mặc áo the, khăn xếp...

Những người tham gia trực tiếp vào lễ rước phải trong trang phục lễ hội, tùy từng thành phần mặc áo the, khăn xếp...

Lễ hội đền Tranh năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (ngày 19 và 23 - 24/3) với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong đó, sáng 19/3 diễn ra lễ rước nước, các đoàn dâng lễ vật, chương trình văn nghệ, khai hội, công bố quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm là điểm du lịch. Chiều và tối cùng ngày có lễ tế quan và tế mẫu, lễ mộc dục.

Ban tổ chức lễ hội bố trí 10 gian trưng bày 37 sản phẩm OCOP của huyện Ninh Giang và sản phẩm tiêu biểu.

Ban tổ chức lễ hội bố trí 10 gian trưng bày 37 sản phẩm OCOP của huyện Ninh Giang và sản phẩm tiêu biểu.

Ngày 23 và 24/3 sẽ diễn ra các trò chơi dân gian như đập niêu, bắt chạch trong chum, vật dân tộc, múa rối nước... Cũng tại lễ hội đền Tranh năm nay, Ban tổ chức lễ hội bố trí 10 gian trưng bày 37 sản phẩm OCOP của huyện Ninh Giang và sản phẩm tiêu biểu như bánh gai, ổi, yến, giò, dưa, rượu, mật ong, vải khô…

Đền Tranh hay còn gọi là đền quan lớn Tuần Tranh ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang (Hải Dương) là di tích lịch sử văn hóa quốc gia thờ vị thủy thần Đệ Ngũ Tuần Tranh (hoàng tử thứ 5 của vua Thủy Tề), sau được phong là Tranh Giang Đại vương Hoàng Hợp Tôn Thần.

Di tích đền Tranh tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi với 34 gian lớn nhỏ, bao gồm 7 gian tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3 gian hậu cung và nhiều công trình phụ trợ khác như tòa đông vu gồm 7 gian đao tầu déo góc, chất liệu bằng gỗ lim, lợp ngói mũi; nghi môn được xây dựng theo kiểu "chồng diêm cổ các”, gồm 2 cửa phụ một cửa chính, quy mô lớn như nghi môn xưa; nhà bia, đài hoá sớ…

Lễ hội truyền thống đền Tranh được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, truyền thống tốt đẹp của lễ hội đền Tranh - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật được thờ tại di tích.

Đọc tiếp