Khai hội đền Xưa 2024, tưởng nhớ đại danh y Tuệ Tĩnh

Khai hội đền Xưa 2024, tưởng nhớ đại danh y Tuệ Tĩnh

Đền Xưa Cẩm Giàng
15:34 - 23/03/2024
Nhằm thể hiện sự tôn vinh y đức, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng 23/3 (tức 14/2 âm lịch), UBND huyện Cẩm Giàng trang trọng tổ chức lễ khai hội đền Xưa năm 2024, dâng hương tưởng niệm đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, đền Xưa tọa lạc tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương quê hương của đại danh y Tuệ Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đọc diễn văn khai mạc.

Ông Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đọc diễn văn khai mạc.

Danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, ông sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Lên 6 tuổi, ông đã mồ côi cha, mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang tức Chùa Giám đón về nuôi dạy. Suốt cuộc đời tuổi thơ ông nương tựa chốn thiền môn.

Ông Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng gióng trống khai hội.

Ông Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng gióng trống khai hội.

Năm 22 tuổi (1351), ông thi đỗ Hoàng giáp nhưng khước từ việc làm quan, bởi ông thường xuyên phải chứng kiến những trận dịch lớn, rình rập cướp đi mạng sống của những người dân nghèo khó. Với mong muốn chuyển hoạ vi phúc, khởi tử hoàn sinh, cứu lấy trăm dân muôn họ, ông đã nghiên cứu cỏ cây, hoa, lá cùng với việc nghiên cứu dược liệu và chủ động việc trồng thuốc, tiếp tục thu thập những phương thuốc quý trong dân gian, lập y xá ngay tại các ngôi chùa để chữa bệnh bằng những bài thuốc, phương pháp đơn giản mà công hiệu cứu giúp những người bệnh nghèo, dập tắt những trận dịch lớn.

Cung tuyên văn tế đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh.

Cung tuyên văn tế đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh.

Để lại cho hậu thế những di sản quý báu

Căn cứ vào các nguồn tài liệu hiện còn cho biết, ông đã tham gia xây dựng được 24 ngôi chùa và biến các ngôi chùa thành các cơ sở chữa bệnh, cứu được nhiều người qua cơn bệnh tật. Với sự tận tụy của Tuệ Tĩnh, phong trào trồng thuốc Nam ngày càng có uy tín, được truyền bá rộng rãi, nhiều gia đình tự trồng thuốc và tự chữa lấy bệnh đơn giản.

Năm 55 tuổi, sự nghiệp làm thuốc của ông đang nở rộ thì ông được vua Trần xung vào đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Do có tài năng chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh), vua Minh phong ông là Thái y - Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y, một thời gian sau ông mất tại Giang Nam, Trung Quốc.

“Cuộc đời và sự nghiệp của Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực đó là đóng góp cho kho tàng tri thức y, dược học dân tộc; về y đức và cao cả hơn đó là tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước,” Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Các đại biểu dâng hương.

Các đại biểu dâng hương.

Hơn 30 năm hoạt động khoa học ông đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh, gồm 10 khoa, 2 môn, bằng 3.873 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa cho 184 bệnh. Tuệ Tĩnh có cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc, sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông ở thế kỷ XVIII.

Bằng những cống hiến to lớn như vậy, mặc dù gần 700 năm ông đi xa, chưa trở về tổ quốc nhưng tại quê hương Cẩm Giàng, chỉ trong một không gian hẹp 3 km2 đã có ba nơi thờ ông, đó là đền Xưa ở thôn Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), chùa Giám (xã Định Sơn) và Đền Bia (xã Cẩm Văn).

Ngày 25/12/2017, ba di tích này đã được Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định số 2082 công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Nhân dân và du khách dâng hương.

Nhân dân và du khách dâng hương.

Ngày nay, đền Xưa được đông đảo nhân dân, du khách thập phương cùng cán bộ công nhân viên ngành y đến tham quan chiêm bái. Hàng trăm năm qua, nơi đây đã trở thành trung tâm y, dược dân tộc nổi tiếng. Mặc dù quy mô và kiến trúc giản dị nhưng có ý nghĩa lớn lao nên đền Xưa đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia từ năm 1990, di tích quốc gia đặc biệt năm 2017.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng, trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Cẩm Giàng nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung luôn coi trọng di sản văn hóa đền Xưa quê hương đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh thể hiện sự trân trọng lịch sử, phát huy truyền thống uống nước, nhớ nguồn, tôn vinh y đức góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng thời, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Giàng luôn quan tâm đưa công trình trở thành một thiết chế giáo dục truyền thống về y, đức, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và tiếp tục phát huy nền y học dân tộc một cách toàn diện…góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cẩm Giàng nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung…

Một tiết mục văn nghệ tại lễ khai hội.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ khai hội.

Hướng về quê xưa, đất cũ

Dự lễ khai hội truyền thống đền Xưa sáng nay không chỉ có đông đảo các đại biểu, nhân dân trong vùng, du khách thập phương mà còn có đại diện lãnh đạo và nhân dân xã An Lư (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Lư cho biết, xã Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) và xã An Lư (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) là 2 địa phương có mối quan hệ đặc biệt.

Theo thần phả được soạn vào năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) hiện còn lưu giữ tại đại phương có viết: Nhân dân làng Xưa ở Thủy Nguyên, Hải Phòng vốn là những người dân làng Xưa thuộc xã Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, trấn Hải Dương. Cụ tổ họ Phạm là Phạm Văn Gia, húy Viết Trinh vốn là một thương gia cùng các bạn tâm giao họ Trần, Bùi, Nguyễn, Hoàng, Vũ qua vùng đất phía Đông huyện Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên ngày nay) nhận thấy nơi đất cao ráo, rộng rãi, cư dân thưa thớt… đã đồng lòng chọn là nơi cư ngụ, đặt tên vùng đất là An Lư (khu đất yên lành). Địa danh đồng đất mới đều lấy tên từ quê cũ như Cầu Xưa, Chợ Xưa, Đồng Kênh, Mái Dạ, Chân Lương… và cứ thế các thế hệ sinh sôi, nối tiếp nhau khai khẩn đất đai, mở mang làng xã.

Trong những năm đầu tổ chức dân chúng khai khẩn đất đai, trong điều kiện sinh sống đầy khó khăn, khắc nghiệt của vùng đất sông nước, hoang vu, lau sậy… dân làng liên tiếp mắc các dịch bệnh nguy hiểm. Mọi người thấy hoang mang lo sợ, có ý định bỏ về quê cũ… khi bình tâm trở lại nhớ về quê nhà có bài thuốc bằng cây cỏ, hoa lá tự nhiên… rồi đem sao vàng hạ thổ… truyền nhau uống, quả nhiên dịch bệnh bị đẩy lùi, đời sống nhân dân yên bình trở lại. Đây là bài thuốc do chính danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh để lại.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các nghi lễ, nghi thức truyền thống còn có các trò chơi dân gian và khám chữa bệnh bằng thuốc Nam tại đền Xưa.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các nghi lễ, nghi thức truyền thống còn có các trò chơi dân gian và khám chữa bệnh bằng thuốc Nam tại đền Xưa.

Để tỏ lòng tri ân và biết ơn nguồn cội, sau này tại khu vực Đồng Sim, dân làng lập lên ngôi miếu nhỏ thờ danh y Tuệ Tĩnh và suy tôn ngài làm thành hoàng làng.

“Hôm nay, chúng tôi vinh dự được đại diện cho cán bộ và nhân dân xã An Lư về đây tham dự lễ hội truyền thống. Đứng trước ngôi đền Xưa linh thiêng và cổ kính, mỗi thành viên trong đoàn được thắp nén tâm nhang trước tượng thờ đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh và nghĩ về thế hệ ông cha xưa, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới ngài và các bậc tiền bối đã soi đường, mở lối, tạo tiền đề quan trọng để có một xã An Lư phát triển như ngày hôm nay’, Chủ tịch UBND xã An Lư Hoàng Chí Dũng xúc động bày tỏ.

Đọc tiếp