Khai phá tiềm năng vùng đất mũi Cà Mau

Khai phá tiềm năng vùng đất mũi Cà Mau

Cà Mau Việt nAM
10:55 - 24/01/2023
Vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau đang vươn mình trở thành một trong những tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển tổng thể kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân dịp năm mới, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về tiềm năng phát triển và những định hướng lớn của tỉnh trong năm 2023.

Mekong ASEAN: Cà Mau là một trong những tỉnh có cảng biển nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông, điều này sẽ đem đến những thuận lợi gì trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư?

Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt: Khai thác cảng biển luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Việc Cảng Hòn Khoai được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những điều kiện thuận lợi để Cà Mau có đủ cơ sở xúc tiến thủ tục mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa. Đặc biệt là cảng biển Hòn Khoai nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, phục vụ xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa xuyên quốc gia.

Trên địa bàn tỉnh còn quy hoạch Cảng Năm Căn, Cảng Sông Đốc với quy mô nhỏ hơn để phục vụ trung chuyển hàng hóa.

Mekong ASEAN: Liên quan đến kinh tế biển, Cà Mau đang nổi lên là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Theo ông, thuận lợi và khó khăn của tỉnh là gì trong việc phát triển nguồn năng lượng này?

Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt: Cà Mau có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, vùng biển khoảng 70.000 km2, tốc độ gió biển ven bờ trung bình từ 6,3 - 7 m/s nên có lợi thế rất lớn để phát triển điện từ năng lượng gió ven bờ và ngoài khơi. Tổng tiềm năng ước đạt 12.018MW. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Cà Mau là vùng đất bãi bồi, không dân cư sinh sống, nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, tập kết vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió.

Ngoài ra, các dự án như đường dây 110kV Năm Căn - Khai Long, trạm biến áp 110kV Sông Đốc, trạm biến áp 110kV Phú Tân, trạm biến áp 110kV Cà Mau 2, trạm 110kV Rạch Gốc đã đóng điện vận hành, dự án trạm biến áp Nguyễn Huân dự kiến hoàn thành năm 2023 đều là các công trình lưới điện dọc theo các tuyến ven biển, là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia.

Các trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (Cà Mau). Ảnh: pecc2.com
Các trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (Cà Mau). Ảnh: pecc2.com

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng còn một số khó khăn như một số công trình lưới điện do ngành điện làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ theo quy hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ đấu nối các dự án điện gió, phải xin chuyển điểm đấu nối.

Tiềm năng năng lượng gió của tỉnh Cà Mau rất lớn, đã có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất dự án trên địa bàn tỉnh. Nhưng số lượng dự án được Trung ương phê duyệt, đưa vào quy hoạch vẫn còn hạn chế.

Nhận thức rõ những khó khăn trên, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị các cấp thẩm quyền chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình nguồn, lưới điện chậm tiến độ; đồng thời, xem xét các đề xuất bổ sung quy hoạch, tạo điều kiện để tỉnh Cà Mau phát triển các dự án điện gió trong thời gian tới.

Cà Mau cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm, tạo điều kiện kết nối, giao thông thuận lợi để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sau khi Quy hoạch điện VIII và cơ chế giá mua bán điện được Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục triển khai thi công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mekong ASEAN: Cà Mau cũng có nhiều lợi thế về du lịch biển, lại có cảng hàng không Cà Mau và nằm gần các sân bay quốc tế Cần Thơ, tình hình phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt: Về tiềm năng du lịch, Cà Mau có vị trí địa lý là địa đầu Cực Nam Tổ quốc với 3 mặt giáp biển, có tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú với hơn 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt… Đặc biệt, Cà Mau sở hữu Khu dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, gắn với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ, vô cùng thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Trong hai năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, khiến doanh thu ngành du lịch giảm mạnh. Nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh cũng mở ra cơ hội để ngành du lịch Cà Mau phát triển theo xu hướng bình thường mới trong năm 2022.

Các hoạt động kích cầu du lịch, các chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” đã giúp lượt khách đến Cà Mau đang tăng trở lại. Tính đến thời điểm cuối năm, ngành du lịch đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách, vượt 29% kế hoạch; tổng thu đạt trên 2.200 tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch.

Xác định loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với điểm nhấn là Mũi Cà Mau.

Mekong ASEAN: Tỉnh Cà Mau là một trong các ngư trường trọng điểm của Việt Nam, có nhiều khu kinh tế và công nghiệp đang được hình thành. Tỉnh đã tận dụng những ưu thế này như thế nào để phát triển kinh tế trong thời gian qua, thưa ông?

Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt: Như đã đề cập trước, bên cạnh lợi thế là tỉnh ven biển duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, vùng biển của tỉnh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, rộng khoảng 80.000 km2 với nhiều loại hải sản. Dưới thềm lục địa còn có trữ lượng dầu khí và khí đốt khá lớn. Đồng thời, do tiếp giáp với các nước trong khu vực, nằm ở trung tâm vòng cung khu vực Đông Nam Á nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển; trên tuyến hành lang giao thông đường biển quốc gia và quốc tế có lượng tàu thuyền khai thác thủy hải sản khá lớn cả về số lượng và công suất.

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau đã và đang quy hoạch xây dựng, thu hút đầu tư vào 3 khu công nghiệp (Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc) và Khu kinh tế Năm Căn. Nhiều công ty, tập đoàn lớn đã đăng ký đầu tư như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam (Đài Loan - Trung Quốc), CTCP chăn nuôi CP Việt Nam (Thái Lan), CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông, CTCP Dầu khí Hồng Hà, Công ty Yat Fung International Holdings Limited, CTCP sản xuất điện B. Grimm Power...

Có những thuận lợi trên, tuy nhiên nhìn chung tình hình kinh tế tỉnh Cà Mau trong thời gian qua phát triển khá nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Chất lượng tăng trưởng còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đô thị hóa còn chậm. Do đó, trong thời gian tới, Cà Mau sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển toàn diện, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục hạn chế, khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Mekong ASEAN: 2022 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt trên 1 tỷ USD. Theo ông, điều gì đã tạo nên kỳ tích này và định hướng phát triển của ngành thủy sản trong thời gian tới của tỉnh là gì?

Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt: Để đạt được kết quả vừa nêu, đầu tiên là do sự kiên trì, nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Tỉnh Cà Mau đã thực hiện khá tốt việc phổ biến để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nắm bắt, tranh thủ thời cơ, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường qua nhiều hình thức.

Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Năm 2022, tỉnh Cà Mau đã thực hiện đạt và vượt 21/22 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu nổi bật như tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,9 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 21.500 tỷ đồng, vượt 2,4% kế hoạch; hoạt động xuất khẩu phục hồi nhanh, đây là năm đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với 1,3 tỷ USD, vượt 13% kế hoạch; tổng thu ngân sách đạt 5.325 tỷ đồng, vượt 21% dự toán; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,56%.

Trong năm 2023, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung phát triển kinh tế với mục tiêu khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh, trọng tâm là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng thích ứng của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh.

Đọc tiếp