Cập nhật dự báo kinh tế khu vực ASEAN năm 2024

KINH TẾ asean
06:15 - 19/01/2024
Cập nhật dự báo kinh tế khu vực ASEAN năm 2024
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024, các nền kinh tế ASEAN có nhiều động lực lớn để trở thành tâm điểm phục hồi và tăng trưởng, nhận định từ một số tổ chức quốc tế trong các báo cáo mới nhất.

Bước vào năm 2023, các nền kinh tế ASEAN đã phải đối mặt với bối cảnh phức tạp gồm tác động từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á tháng 12/2023 dự báo tăng trưởng của các nước ASEAN trong năm 2023 ở mức 4,3%. Trong bức tranh chung của nền kinh tế toàn cầu, khi một số cường quốc hàng đầu còn đang đứng trước nguy cơ suy thoái, đây là con số thuộc mức tăng tương đối cao.

Bước sang năm 2024, ADB dự báo tăng trưởng trong năm 2024 của ASEAN đạt 4,7%. Theo định chế tài chính này, năm 2024 Philippines được dự báo có mức tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với 6,2%, tiếp đến là Việt Nam là 6%. Còn nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất khu vực ASEAN là Indonesia được dự báo tăng trưởng ở mức 5%, Singapore thấp nhất với mức tăng trưởng trong năm tới là 2,5%.

Theo ADB, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của các nước trong khu vực ASEAN là đầu tư công và chi tiêu tiêu dùng, đặc biệt là chi tiêu của du khách quốc tế đến mỗi nước. Bên cạnh đó, sự phục hồi về xuất khẩu điện tử, công nghệ… sẽ cải thiện hơn nữa triển vọng tăng trưởng của các nước trong khu vực.

Ngân hàng HSBC, trong một báo cáo tháng 11/2023, dự báo tăng trưởng chung của các nền kinh tế lớn thuộc nhóm "ASEAN-6" - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - sẽ đạt mức 4,6% vào năm 2024. Theo dự báo, triển vọng tăng trưởng này khác nhau ở mỗi quốc gia, từ 2,4% đối với Singapore đến 6,3% đối với Việt Nam.

Trong khi đó, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong những dự báo mới nhất kỳ vọng khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2024 do tác động của các biện pháp hỗ trợ chính sách của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa được hiện thực hóa một cách đầy đủ hơn.

"Điều này, cùng với việc tiêu thụ hàng hóa lâu bền ở Hoa Kỳ tăng dần và sự phục hồi được dự đoán của chu kỳ công nghệ toàn cầu sẽ thúc đẩy xuất khẩu trong khu vực vào năm tới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ yếu đi", AMRO nhận định.

Báo cáo tháng 12/2023 của Maybank về nền kinh tế của khu vực ASEAN có tiêu đề: "Year Ahead 2024: Green Shoots in a Fragmented World" tạm dịch là "Kinh tế ASEAN 2024: Chồi xanh nảy mầm trong một thế giới phân mảnh" cho biết, ASEAN sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và cân bằng hơn vào năm 2024, khi sản xuất và xuất khẩu phục hồi, còn "chi tiêu trả thù" và tăng trưởng dịch vụ du lịch giảm dần.

Tăng trưởng GDP của ASEAN-6 được Maybank dự báo sẽ tăng lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025. Trong đó, tăng trưởng GDP của ASEAN-6 dự kiến sẽ phục hồi từ 4% vào năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025.

Theo các nhà phân tích, có những dấu hiệu mới cho thấy "chồi xanh đang nảy mầm" trong dữ liệu sản xuất và xuất khẩu gần đây, làm sáng tỏ triển vọng tăng trưởng trong năm 2024. Xuất khẩu của ASEAN-5 (không bao gồm Philippines) đang phục hồi rõ rệt hơn trong tháng 10 sau đợt sụt giảm kéo dài một năm. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của một số nước thuộc ASEAN đã quay trở lại mức trên 50 điểm, bao gồm Singapore, Indonesia và Philippines.

Theo May bank, sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ hơn sẽ có tác động lớn hơn đến các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Nền kinh tế các nước ASEAN có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trong GDP cao hơn bao gồm Singapore (110%), Việt Nam (91%) và Malaysia (86%).

Bên cạnh đó, Maybank cũng nhìn nhận, FDI tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sẽ làm tăng đòn bẩy của ASEAN trong quá trình phục hồi thương mại toàn cầu. Việc chuyển đổi vốn FDI được phê duyệt sang FDI thực tế sẽ tăng tốc khi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng, Maybank dự báo.

Đọc tiếp