Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

VÀNG SJC
14:40 - 17/04/2024
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?
0:00 / 0:00
0:00
Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.

Thông tin lần đầu tiên sau 11 năm NHNN có kế hoạch mở trở lại kênh đấu thầu vàng miếng SJC khiến thị trường "khấp khởi" chờ đợi. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh giá vàng đang tăng vọt, nới rộng khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới.

Ngay phiên đầu tuần này, ngày 15/4, giá vàng đã được đẩy lên mức cao kỷ lục, trên 85 triệu đồng/lượng. Thời điểm đầu giờ chiều 17/4, giá vàng miếng được thương hiệu SJC niêm yết tại mức 81,6 triệu đồng/lượng mua vào và 83,8 triệu đồng/lượng bán ra. Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng giao dịch quanh mức 82,1 - 84,1 triệu đồng/lượng.

Câu hỏi đặt ra là, giá vàng có thể sẽ giảm bao nhiêu nếu NHNN đấu thầu vàng miếng ra thị trường?

Bình luận về động thái đấu thầu vàng, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc NHNN đấu thầu vàng có lẽ sẽ không có quá nhiều tác động đến giá vàng của SJC và các thương hiệu khác.

Để xóa bỏ sự chênh lệch phi lý giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cần biện pháp thương mại, ông Nghĩa nói.

"Tôi cho rằng có thể tính tới việc cho phép các công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng," ông Nghĩa nêu ý kiến.

Dù vậy, theo ông Nghĩa, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư. Song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất là cân nhắc cho phép xuất nhập khẩu vàng và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

"Giá vàng thế giới đang tăng kỷ lục, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, NHNN nên nghiên cứu tăng mua vàng dự trữ. Đấu giá vàng có thể là giải pháp tình thế ngắn hạn chứ không phải là biện pháp dài hạn," ông Nghĩa nhận định.

Liên quan đến những lo ngại rằng cho phép nhập khẩu vàng có thể sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, ông Nghĩa cho rằng, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, khoảng 3 tỷ USD. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Cũng chia sẻ về động thái đấu giá vàng của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng câu chuyện đấu thầu vàng không phải chưa từng diễn ra mà đã từng thực hiện hồi năm 2013.

TS Lực cho rằng, NHNN vận hành lại nghiệp vụ này nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế.

Chuyên gia đánh giá động thái này sẽ góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với giá vàng trên thế giới cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác.

"NHNN sẽ sớm ổn định được thị trường vàng, giải quyết quan hệ cung cầu," vị chuyên gia này tin tưởng. Tuy nhiên, theo ông, giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua, chủ yếu do giá vàng quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 20%, trong nước tăng 12-13% và chủ yếu do địa chính trị, rủi ro tăng lên, xung đột ở Trung Đông và một số khu vực khác. Vì vậy, thị trường vàng thời gian tới còn phụ thuộc vào câu chuyện quốc tế, các xu hướng xung đột trên thế giới.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

Riêng về tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì cơ quan điều hành cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối.

Dẫu vậy, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, như việc phát hành tín phiếu để tăng lãi suất liên ngân hàng, qua đó giảm lãi suất USD, VND, giảm áp lực tỷ giá, ông Lực nói.

Đọc tiếp

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.