HSBC: Việt Nam có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

KINH TẾ Việt nAM
10:43 - 12/01/2024
HSBC: Việt Nam có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia HSBC dự báo Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC vừa được công bố, Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực. HSBC nhận định rằng, tăng trưởng GDP 5,1% là phù hợp với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 7/2023 và cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường là 4,6%.

"Không quá khó để nhận diện sự phục hồi bắt nguồn từ đâu. Lĩnh vực sản xuất, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đã chứng kiến sự cải thiện đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm 2023 so với sự trì trệ nghiêm trọng trong nửa đầu năm. Dấu hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt thể hiện rõ trong mảng điện tử," báo cáo của HSBC viết.

Chu kỳ công nghệ đảo chiều là nhân tố thầm lặng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam phục hồi. Sau khi giảm ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam rốt cuộc cũng đã chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng gần đạt mức hai con số trở lại trong quý IV/2023, phần lớn là nhờ xuất khẩu hàng điện tử gia tăng.

Bên cạnh điện tử, xuất khẩu máy móc cũng bắt đầu phục hồi trong khi xuất khẩu nông nghiệp bùng nổ, liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số.

Cùng với việc lĩnh vực sản xuất được cải thiện, ngành dịch vụ cũng trở thành trợ lực cho tăng trưởng. Dịch vụ trong quý 4/2023 đã tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là từ các lĩnh vực liên quan đến du lịch như bán lẻ, vận tải và lưu trú.

Xu hướng "thú vị" của dòng vốn FDI

Các chuyên gia HSBC dự báo Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024.

"Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù cần theo dõi diễn biến tác động của việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, những tác động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát", HSBC nhận định.

Theo phân tích các chuyên gia tại đây, trong bức tranh kinh tế 2024, yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI ổn định mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều.

Cả tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây, đặc biệt là FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm, đạt khoảng 5% GDP.

Xét về nguồn FDI, HSBC chỉ ra một xu hướng thú vị rất đáng chú ý. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng.

Thực tế, năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính chung lại, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc) chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023.

Đơn vị phân tích cho rằng không quá bất ngờ khi phần lớn vốn đổ vào điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên. Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài điện tử, các nhà đầu tư cũng ngày càng bị thu hút bởi thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một xu hướng mà các tập đoàn Nhật Bản đã đón đầu từ sớm.

Khi nói đến FDI, HSBC cho rằng một diễn biến quan trọng cần quan sát chặt chẽ trong năm nay chính là việc triển khai thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1.

Lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm

Nhóm phân tích HSBC cũng cho rằng lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong mức kiểm soát trong năm 2023, bình quân ở mức 3,3% - thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5% được Quốc hội đặt ra.

HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ trong năm nay, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát lạm phát mới là 4-4,5%. Mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi.

Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng này do tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát.

Thêm nữa, chi phí y tế gia tăng cũng là vấn đề cần lưu tâm chặt chẽ sau khi Việt Nam tiếp tục áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế toàn quốc sau giai đoạn bốn năm.

"Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5% trong suốt năm 2024", HSBC dự báo.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, tháng thứ bảy liên tiếp duy trì xu thế đi xuống. Trong đó, tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu đều giảm, bất chấp giá đường và thịt tăng.
Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) Việt Nam đã trải qua năm 2023 vô cùng khó khăn, được giới chuyên gia nhận định là “kỳ kiểm tra” tiếp theo sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối năm các tín hiệu tích cực đã xuất hiện báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ.