Xác định "ông bầu", "madam" đứng sau chi phối ngân hàng, tránh việc tương tự SCB

NGÂN HÀNG Việt nAM
18:03 - 23/11/2023
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai (Ảnh: Quochoi.vn).
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, để chống rủi ro sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng như vụ ngân hàng SCB , yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, đây là dự án luật khó, tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, thậm chí an ninh trật tự. Do đó, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng. Các quy định của dự thảo luật phải hướng tới mục tiêu kép đó là tạo cơ chế để thúc đẩy các tổ chức tín dụng phát triển khỏe mạnh nhưng phải an toàn để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, dự thảo luật cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

"Thực tế qua vụ việc của Ngân hàng SCB và thực trạng hiện nay, đặt ra 3 vấn đề tạo ra những rủi ro rất lớn cho hệ thống đó là sở hữu chéo, chi phối và thao túng tổ chức tín dụng. Do vậy, vấn đề này cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ.

Sở hữu chéo, chi phối và thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này, ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình, theo tôi là không hiệu quả", đại biểu nêu vấn đề.

Theo đại biểu, điều cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng hay được gọi một cách mỹ miều là hệ sinh thái do các "ông bầu", "madam" đứng sau các ngân hàng tạo dựng nên.

Do đó luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.

Để làm được vấn đề này, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hai vấn đề:

Thứ nhất là minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể.

Thứ hai là kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Trong đó, điều chỉnh người có liên quan có phù hợp với các loại hình tổ chức tín dụng và điều chỉnh sở hữu cổ phần cá nhân 3% thay vì 5% và quy định giảm dần lộ trình cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một số khách hàng, người có liên quan.

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Theo đại biểu, quan trọng nhất hiện nay là ngân hàng phải kiểm soát, quan tâm hơn đối với trường hợp ông chủ của ngân hàng là doanh nghiệp đứng sau.

Hiện nay có ngân hàng do chủ doanh nghiệp lớn đứng sau. Việc kiểm soát ngân hàng là cần thiết nhằm đảm bảo không thể xảy ra như hiện tượng của SCB, đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh và cho rằng nguồn vốn cho vay đến các cổ đông của ngân hàng như hiện nay phải được giám sát mạnh mẽ.

"Nhiều người cho rằng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng này không đến tay của doanh nghiệp, người vay vì điều kiện vay thì rất khó khăn, nhưng thực tế, ông chủ, cổ đông của các ngân hàng thì vay rất dễ dàng. Tình hình này nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ có khả năng xảy ra tình trạng như SCB", đại biểu cảnh báo.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.