Khát vọng của những đồi chè Thái Nguyên

Khát vọng của những đồi chè Thái Nguyên

văn hóa Thái Nguyên
10:06 - 13/02/2024
Đàm đạo với phóng viên Mekong ASEAN bên tách trà thơm chiều cuối năm, chị Lại Ngọc Hà - chủ doanh nghiệp Ngọc Thiên Trà - không giấu những trăn trở khi mang tham vọng lan tỏa giá trị của trà Việt ra thế giới.

Lớn lên trên mảnh đất danh trà Thái Nguyên, dù đã có công việc và thu nhập ổn định ở Hà Nội sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hà vẫn đau đáu với mong muốn phát triển sản phẩm chè và hỗ trợ cho những người nông dân quê hương. Năm 2016, chị đã bỏ công việc kế toán tại Hà Nội và về quê thành lập doanh nghiệp Ngọc Thiên Trà, chuyên phát triển các sản phẩm trà hữu cơ.

Nói về khát vọng nâng cao giá trị của trà Việt Nam, chị nhắc lại câu nói của thầy mình là Giáo sư Phan Văn Trường - Cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế, nhà sáng lập Hệ sinh thái Cấy Nền: “Muốn phát triển sản phẩm trà của Việt Nam ra thế giới thì cần phải để thế giới theo văn hóa của mình chứ không phải mình chạy theo văn hóa của thế giới”.

Chị mang theo trăn trở này để xây dựng thương hiệu trà của riêng mình, mong muốn biến sản phẩm này không chỉ là một thức uống mà còn mang trong mình nét văn hóa đặc trưng Việt Nam. Để lan tỏa văn hóa trà của Việt Nam ra thế giới, theo chị, người sản xuất cần được kết nối với hệ thống thương vụ và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, làm cầu nối đưa văn hóa trà Việt từng bước lan tỏa, đồng thời phát triển du lịch sinh thái vùng trồng trà.

Thái Nguyên được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp cuốn hút với những đồi chè xanh bát ngát cùng hàng trăm cây chè cổ thụ hiếm có. Du khách đến đây có thể tham quan đồi chè và tham gia các hoạt động trải nghiệm để hiểu sâu hơn quá trình và các công đoạn làm ra sản phẩm trà của người dân địa phương.

Dù có nhiều cơ hội, nhưng theo chị Ngọc Hà, tạo dựng thương hiệu trà hữu cơ ở Thái Nguyên như doanh nghiệp của chị gặp không ít khó khăn. Thái Nguyên đang thu hút nhiều doanh nghiệp tới xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động trẻ. Do đó, ít người trẻ muốn làm nông nghiệp, hầu hết người trồng chè đều là những người ở tuổi trung và cao tuổi, năng suất lao động thấp.

Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ và vừa như Ngọc Thiên Trà rất khó tiếp cận được các loại máy móc và công nghệ hiện đại. Đơn cử như doanh nghiệp của chị Hà muốn sản xuất ra sản phẩm trà matcha, tinh dầu từ trà, trà Phổ nhĩ hay Hồng trà… sẽ phải nhập khẩu máy móc với chi phí rất cao so với khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khả năng tiếp cận vốn vay cũng rất thấp. Hiện nay, mức lãi vay dành cho người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp về nông nghiệp đang ở mức cao, gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho những doanh nghiệp như Ngọc Thiên Trà.

Việc làm các giấy tờ, thủ tục hành chính để đưa sản phẩm ra nước ngoài cũng còn nhiều khó khăn. Nếu muốn xuất khẩu chè sang châu Âu, Mỹ, thì cần đáp ứng FDA, các tiêu chí hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và điều kiện truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với các thông tin, hướng dẫn của cơ quan quản lý và chi phí đáp ứng rất cao.

Với một số thị trường đặc trưng như Indonesia, muốn xuất khẩu trà sang còn cần phải có chứng chỉ về thực phẩm Halal. Để làm được chứng chỉ này, doanh nghiệp phải chi đến 100 - 200 triệu, nhưng chứng chỉ chỉ có thời hạn trong vòng một năm. Điều này cũng gây sức ép lên khả năng tài chính của doanh nghiệp có quy mô như Ngọc Thiên Trà.

Tất cả những khó khăn vẫn đang hiện hữu, những những người như chị Hà và nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, bà con nông dân vẫn hàng ngày cần mẫn lao động và theo đuổi ước mơ, để đưa những kỳ vọng về phát triển những giá trị thương hiệu trà Việt cao cấp hơn, có giá trị tương xứng hơn, đến gần hơn với thực tại, để những khát vọng của những đồi chè Thái Nguyên sớm trở thành hiện thực.

Đọc tiếp