Giao dịch sàn HoSE phiên 25/8. |
Sau ít giờ giao dịch tích cực đầu phiên nhờ lực kéo của VIC, VN-Index chịu áp lực điều chỉnh và kết phiên trong sắc đỏ. Đóng cửa, chỉ số giảm hơn 6 điểm so với kết phiên hôm qua, lùi về mốc 1.183,37 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,33 điểm trong khi UPCoM vẫn tăng 0,16 điểm.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện so với phiên hôm qua nhưng vẫn chưa trở lại mức vượt 1 tỷ USD như trước. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 22.800 tỷ đồng. Khối ngoại chiếm gần 3.000 tỷ đồng và bán ròng hơn 800 tỷ đồng trên sàn HoSE. CTG bị bán ròng mạnh nhất 166 tỷ đồng, các mã MWG, HPG, VPB, DPM cũng bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Danh sách còn có BCM, NVL, VIC, VCB, HDG…
Chiều mua ròng dẫn đầu là DXG, với 103 tỷ đồng. DGC cũng được mua ròng 90 tỷ đồng. Còn lại khối ngoại mua ròng rải rác ở TPB, VND, VCG, VIX, KDH, PDR, FRT, VCI, DGW…
Thị trường giảm điểm do nhiều cổ phiếu tên tuổi đảo chiều nhanh chóng. Như VIC đầu phiên sáng tăng tới hơn 5%, sau đó chịu áp lực bán lớn khiến kết phiên giảm 1,1%, khớp lệnh 17,9 triệu đơn vị - số lượng lớn so với mức trung bình của cổ phiếu này.
VCG của Vinaconex cũng duy trì sắc xanh đến tận 2h chiều nhưng kết phiên giảm 2,2%. Liên danh Vietur có sự tham gia của Vinaconex vừa chính thức trúng gói thầu 5.10 – nhà ga hành khách sân bay Long Thành, trị giá 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sự kỳ vọng của nhà đầu tư dường như đã phản ánh hết vào đà tăng của VCG trước đó khi trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2023, mã đã tăng hơn 50%.
Liên danh Vietur được công bố trúng thầu cũng đã chấm dứt cơ hội của Liên danh Hoa Lư do CTD (Coteccons) đứng đầu. Hôm nay, mã ngành xây dựng này vẫn tăng mạnh 4,9% lên mức giá 62.400 đồng/cp. Trước đó, CTD đã rơi vào nhịp điều chỉnh sau khi tăng một mạch từ vùng giá 37.000 đồng hồi tháng 3 lên 80.000 đồng hồi đầu tháng 7.
HĐQT CTD vừa thông qua phương án phát hành hơn 24,8 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần, tương đương 33,3% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Trở lại với thị trường hôm nay, áp lực giảm đến từ các nhóm bất động sản, ngân hàng, thép. Bộ ba đầu ngành thép đều giảm giá, với HPG -1,3%, HSG -0,8%, NKG -1,6%.
Nhóm ngân hàng ngoài TPB và HDB tăng nhẹ 0,35 thì chỉ còn vài mã nhỏ giữ được sắc xanh, gồm ABB, BVB, EIB, LPB, NAB, PGB. CTG giảm mạnh nhất 1,9%; BID, SHB, STB, TPB giảm hơn 1%; VCB giảm 0,9%.
Nhóm bất động sản tác động tiêu cực nhất là VHM -2,4%. VIC, BCM, VRE, NVL, KBC… đều giảm giá. Các mã ở chiều tăng là DXG, KDH, TCH, DIG, HPX… Trong đó, DXG tăng tốt nhất với tỷ lệ gần 4%.
Với phiên tăng trần hôm qua và tăng mạnh hôm nay, DXG về lại mức giá 21.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 9/2022. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn Đất Xanh đã tăng 40% giá trị.
Nhóm chứng khoán vẫn duy trì tích cực với sự tăng giá của các mã lớn, như VND +2,6%, SSI +0,6%, VIX +2%, VCI +0,6%, MBS, HCM +0,5%...
Nhóm tăng giá mạnh nhất hôm nay là thủy sản, với IDI và ACL tăng trần, VHC tăng 3,2%, ANV tăng 4,8%, FMC tăng 2,2%, CMX tăng 3,9%.
Các doanh nghiệp thủy sản đang được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm sau khi lợi nhuận quý 2/2023 chạm đáy. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 779 triệu USD, giảm 17% so với tháng 7/2022. Mức giảm này đã thu hẹp dần so với mức giảm 23% của tháng 6 và các tháng trước đó.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc cải thiện đáng kể, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, Đức, Hà Lan vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Mới đây, Cục Hải quan Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu tất cả các loại hải sản của Nhật Bản từ ngày 24/8 do lo sợ ảnh hưởng từ việc xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trung Quốc hiện đang là thị trường được kỳ vọng nhất cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi nửa cuối năm 2023, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần.