Không tận dụng tốt ưu đãi thuế quan nhập khẩu là điểm đáng tiếc cho doanh nghiệp

XUẤT KHẨU hiệp định
12:30 - 19/05/2023
Không tận dụng tốt ưu đãi thuế quan nhập khẩu là điểm đáng tiếc cho doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, việc không tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong nhập khẩu là điểm đáng tiếc bởi ưu đãi này sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu chất lượng với giá cả phải chăng hơn.

Phát biểu tại hội thảo Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày 18/5, bà Nguyễn Phương Linh, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành 17 nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, tương ứng với 17 FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Việc này nhằm tiếp tục thực hiện cam kết thuế xuất khẩu và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các FTA/PTA đã ký kết và thống nhất về phân loại, áp dụng thuế theo Danh mục AHTN 2022 đã được phê duyệt tại Nghị quyết 29/NQ-CP ngày 8/3/2022. Đồng thời đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, phù hợp với cam kết quốc tế.

Các FTA hiện đã bao phủ hầu hết các đối tác lớn của Việt Nam như ASEAN, EU, Anh, Liên minh kinh tế Á - Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Điều này giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt thời gian qua.

Đặc biệt là năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 đã đạt hơn 730 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 371 tỷ USD, tăng 11%, nhập khẩu đạt gần 359 tỷ USD, tăng 8%. Đóng góp không nhỏ vào việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chính là những ưu đãi thuế quan của các FTA.

Bà Nguyễn Phương Linh, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính. Ảnh: Anh Thư

Bà Nguyễn Phương Linh, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính. Ảnh: Anh Thư

Bà Linh cho biết thêm 17 nghị định mới đã chuyển đổi cam kết thuế quan tại các Hiệp định để phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu trên cơ sở AHTN 2022. Đồng thời, bổ sung phạm vi các nước được hưởng ưu đãi do các quốc gia này vừa thông báo có hiệu lực các điều ước quốc tế như Peru (đối với hiệp định CPTPP), Ceuta và Melila (hiệp định EVFTA).

Các nghị định cũng hoàn thiện, chỉnh lý một số nội dung để tăng tính rõ ràng về pháp lý, tránh vướng mắc trong thực thi như quy định về cho hưởng ưu đãi với khu phi thuế quan và quy định về điều kiện hưởng ưu đãi.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc thực thi các cam kết ưu đãi đã tác động đến kinh tế vĩ mô, giúp cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Điều này cũng tạo điều kiện tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu và cơ cấu kinh tế và giúp gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Về đánh giá của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của VCCI, đa phần các doanh nghiệp (76,34%) cho rằng trong vòng 3 năm tới các hiệp định FTA sẽ có tác động rõ ràng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

85,25% doanh nghiệp trong số này cho rằng các tác động đó là tích cực. Ngoài ra, theo khảo sát, những rào cản khiến doanh nghiệp khó tận dụng FTA đã giảm bớt, nhưng rào cản chủ quan về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên bà Trang cho biết, trung bình chỉ có khoảng 30 - 35% hàng hóa xuất khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan, đây là con số chưa cao. Trong đó, việc tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhập khẩu.

Đây là điểm đáng tiếc với doanh nghiệp, khi ưu đãi thuế quan nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu chất lượng với giá cả phải chăng, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu cho sản xuất đang ở mức cao như hiện nay, bà Trang nhận định.

Do đó, bà Trang đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương để công bố số liệu về tận dụng ưu đãi thuế quan định kỳ, nhằm theo sát doanh nghiệp, nhanh chóng nhận diện được khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải và có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.

Để thực thi hiệp định tốt hơn, đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa, bà Nguyễn Phương Linh khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết, tác động của những cam kết đó để có sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh thích hợp trong bối cảnh các Nghị định thuế được ban hành theo lộ trình khá dài.

Đặc biệt cần nghiên cứu tận dụng một số hiệp định đã hoàn tất lộ trình giảm thuế như hiệp định với các nước ASEAN (hoàn thành năm 2018), Hiệp định ASEAN - Trung Quốc (năm 2020), Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (năm 2021), Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand (năm 2022) và một số hiệp định sắp hoàn thành lộ trình như Hiệp định ASEAN - Ấn Độ (năm 2024), Hiệp định ASEAN - Nhật Bản (năm 2025), Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản (năm 2026)…

Cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng để doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập FTA. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Không tận dụng tốt ưu đãi thuế quan nhập khẩu là điểm đáng tiếc cho doanh nghiệp ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Anh Thư

Đại diện VCCI, bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng các cam kết nhằm có lựa chọn tối ưu khi tận dụng ưu đãi thuế quan cho xuất khẩu, đồng thời, cần lưu ý các điều kiện để được hưởng ưu đãi theo từng FTA để đáp ứng yêu cầu, tránh để tình trạng có cơ chế nhưng doanh nghiệp không tận dụng được khi xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động tận dụng các FTA thông qua việc tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao dịch tại các thị trường mà Việt Nam đã có FTA. Điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng quy tắc xuất xứ phù hợp với mỗi thị trường xuất khẩu nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA, thực hiện đầy đủ các yêu cầu khác (như giấy tờ, vận chuyển…) để được hưởng ưu đãi.

Về phía các cơ quan chức năng, VCCI kiến nghị các cơ quan cần chủ động ban hành sớm các nghị định về Biểu thuế ưu đãi theo FTA, tránh hồi tố, gây rắc rối, làm mất thời gian cho doanh nghiệp. Quy định trực tiếp các điều kiện cơ bản được hưởng ưu đãi thuế (như vận chuyển…). Quy định rõ ràng về quy trình hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, cho hưởng ngay thay vì hoãn thuế.

Tin liên quan

Đọc tiếp