Khung cảnh bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, thành phố Energodar, miền Nam Ukraine, ngày 22/8. Ảnh: RT |
RT dẫn lời các quan chức trên cho biết, nhà máy Zaporizhzhia đã được kết nối với một nguồn điện thay thế. Theo đó nguyên nhân của vụ mất điện dẫn đến sự cố là do cháy rừng lớn bùng phát trong khu vực bị Ukraine pháo kích. Hỏa hoạn đã thiêu rụi các vùng thảo nguyên và khu rừng xung quanh thành phố Energodar, khiến lưới điện trong khu vực này bị đoản mạch, dẫn tới cả Zaporozhye và vùng Kherson lân cận bị mất điện.
Ông Yevgeny Balitski, người đứng đầu chính quyền quân sự - dân sự của thành phố Energodar, cho biết: “Theo thông tin sơ bộ, các cuộc pháo kích lớn do lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện vẫn tiếp diễn vào đêm 25/8 khiến các cánh đồng và cây cối bị thiêu rụi. Điều này đã dẫn đến sự cố chập mạch lưới điện nhà máy".
Các nhân viên làm việc trên mạng lưới điện gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ngày 22/8. Ảnh: Reuters |
Nằm ở thành phố Energodar, miền Nam Ukraine, Zaporizhzhia là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Quân đội Nga đã kiểm soát khu vực này từ giữa tháng 3 - ngay sau khi chiến sự nổ ra. Dù được phía Nga canh gác an ninh, nhưng các nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục vận hành trong nhà máy. Hiện tại, nhà máy này vẫn hoạt động khoảng 70% công suất để cung cấp điện cho các khu vực do Nga kiểm soát, đồng thời dự kiến truyền tải điện cho bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Zaporizhzhia trở thành mục tiêu pháo kích liên tục, gây hư hại một số thiết bị và cơ sở hạ tầng của nhà máy. Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm một "thảm họa Chernobyl năm 1986", hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn.
Nga cảnh báo các vụ tấn công của Kiev sẽ gây thảm họa tại nhà máy. Đồng thời, Moscow khẳng định mục đích duy nhất của việc tiếp quản Zaporizhzhia là để "ngăn chặn các lực lượng Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".
Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc chính lực lượng Nga cố tình pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia, cho rằng Moscow đưa binh sĩ và khí tài hạng nặng đến nhà máy này như một căn cứ quân sự.
Liên Hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các bể chứa nhiên liệu hạt nhân, cũng như các lò phản ứng của Zaporizhzhia bị phá hủy, đồng thời kêu gọi khu vực này cần được phi quân sự hóa. Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết, các thanh sát viên sẽ được cử đến nhà máy điện hạt nhân này "càng sớm càng tốt" để đánh giá tình hình thực tế.