Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV sáng 6/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có 8 Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định như: Một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, vẫn còn văn bản nợ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này còn chậm; việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan chưa hiệu quả...
Nguyên nhân của các hạn chế được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu ra là số lượng văn bản phải xây dựng, ban hành rất lớn; một số cơ quan chủ trì chưa chủ động, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi; lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật...
Nêu giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định "chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao" của Luật Tổ chức Chính phủ.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm
Đánh giá tình hình triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bộ, ngành địa phương đã "quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống".
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, vẫn còn tình trạng công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết của Chính phủ còn chậm. Một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Tính đến ngày 23/8/2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm. Mặt khác, chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nguyên nhân trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tăng cường cải cách hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn luật, không để làm phát sinh thủ tục, "giấy phép con", tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong thi hành pháp luật.