Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam trong quý I/2022 có sự phục hồi mạnh mẽ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 66,73 tỷ USD; tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ các giải pháp linh hoạt, ngành dệt may Việt nam đã có những bước phát triển vững vàng, tiếp tục đạt kết quả xuất khẩu cao ngay trong quý I.
So với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 3 tháng đầu năm nay đạt 8,837 tỷ USD, tăng 22,5%.
Diễn biến xuất khẩu quý I củng cố cho niềm tin vào khả năng toàn ngành sẽ đạt mốc 43 tỷ USD tổng giá trị xuất khẩu dệt may năm 2022, và nâng thị phần của dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Từ những tháng cuối năm 2021 đến đầu năm nay, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 cùng những biến động mới từ thị trường quốc tế đã gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu của dệt may.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng khả quan, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong văn bản trình Chính phủ vào 23/3/2022.
Kịch bản cao nhất mà Vinatex đặt ra là mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD; kịch bản trung bình là 38 tỷ USD và kịch bản thấp nhất là 36 tỷ USD.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vitas cũng xây dựng mục tiêu xuất khẩu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Kịch bản tích cực nhất: kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quí I/2022.
Kịch bản trung bình là đạt 40-41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. Kịch bản thấp nhất là đạt 38-39 tỷ USD.
Trong năm qua, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi một số xu hướng về ngành thời trang, thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thể thao nhiều hơn. Đồng thời cũng thúc đẩy số hóa trong toàn ngành với gần 40% tổng doanh số bán hàng hiện đang được tạo ra từ các kênh số.
Các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến quy trình sản xuất “xanh” trong nhà máy và sản xuất sợi bông, sợi tái chế. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các đơn hàng của các đối tác lớn đang quan tâm đến vấn đề bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu như H&M, Uniqlo, Nike, Adidas…
Năm 2022 tổng kim ngạch thương mại dệt may toàn cầu được dự báo là sẽ hồi phục hoàn toàn với khoảng trên 700 tỷ USD. Đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nối tiếp đà tăng trưởng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt trên 40 tỷ.