Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. |
Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Kinh Bắc cho thấy, doanh nghiệp mang về 203 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng giảm tương ứng nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 97 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 83 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi chi phí tài chính giảm 21% xuống còn 141 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 77% xuống còn 3 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 89% lên 72 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phần lãi từ công ty liên kết mang về cho Kinh Bắc 1.997 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này âm 36 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế đạt 1.936 tỷ đồng, vượt trội so với số lỗ 59 tỷ đồng trong quý 3/2021.
Khoản lợi nhuận đột biến trên là phần “chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng (SDN). Giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại SDN phát sinh trong quý 2/2022. Tại báo chính quý 2/2022, Kinh Bắc đã đưa khoản này vào giúp lợi nhuận công ty tăng đột biến.
Tuy nhiên trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm, công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) không ghi nhận khoản này, khiến lợi nhuận trước và sau kiểm toán của KBC giảm 91,8%, từ 2.457 tỷ đồng xuống còn hơn 200 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính soát xét 9 tháng đầu năm 2022 của Kinh Bắc, đơn vị kiểm toán đã ghi nhận phần lợi nhuận trên. Theo đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt tổng doanh thu 1.288 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lên tới 2.136 tỷ đồng, tăng 191%.
Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của KBC trong 9 tháng đầu năm âm 947 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ âm 83 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm 436 tỷ đồng (cùng kỳ âm 2.628 tỷ đồng) còn dòng tiền tài chính dương 144 tỷ đồng (cùng kỳ dương 5.358 tỷ đồng).
Tổng cộng tài sản của Kinh Bắc tại thời điểm cuối quý 3 đạt 33.375 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Khoản tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Trong đầu tư tài chính dài hạn, đầu tư vào công ty liên kết tăng hơn 2.300 tỷ so với đầu năm, lên mức 3.788 tỷ đồng; chủ yếu phát sinh từ khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng trị giá 2.267 tỷ đồng (tương đương 48% vốn điều lệ).
Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền giảm một nửa so với đầu năm, còn 1.323 tỷ đồng. Phải thu về cho vay cũng giảm mạnh từ hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 447 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Kinh Bắc là 14.732 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng từ hơn 1.500 tỷ đồng lên hơn 3.500 tỷ đồng.
Ngược lại, vay dài hạn giảm từ hơn 5.500 tỷ đồng xuống còn hơn 3.400 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn tại ngân hàng không có nhiều biến động, ở mức 2.455 tỷ đồng. Trong khi khoản vay trái phiếu giảm mạnh từ 3.233 tỷ đồng xuống còn 973 tỷ đồng.
Kết phiên 31/10, cổ phiếu KBC dừng ở mức giá 17.500 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Từ giữa tháng đến nay, mã này đã giảm 52%. So với mức đỉnh 46.000 đồng hồi đầu năm 2022, KBC đã "bốc hơi" 63% giá trị.