Kinh doanh dưới giá vốn, Vietjet thoát lỗ quý thứ 2 liên tiếp nhờ hoạt động tài chính

VJC Vietjet
12:01 - 02/02/2023
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Hàng không Vietjet (công ty mẹ) vừa có quý thứ 2 liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp tới 3.843 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn báo lãi khủng nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh.
Nếu như không có khoản doanh thu tài chính tăng mạnh trong quý 4/2022, Vietjet có thể đã phải báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp. Ảnh: Vietjet

Nếu như không có khoản doanh thu tài chính tăng mạnh trong quý 4/2022, Vietjet có thể đã phải báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp. Ảnh: Vietjet

Vietjet tối ngày 1/2 đã công bố báo cáo tài chính riêng quý 4/2022 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Theo đó, doanh thu của Vietjet (công ty mẹ) đạt mức 7.352,1 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ. Tuy nhiên với việc giá vốn tăng mạnh lên 10.703 tỷ đồng, công ty lỗ gộp 3.351 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 380,2 tỷ đồng của quý 4/2021. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp Vietjet kinh doanh dưới giá vốn. Trước đó ở quý 3/2022, Vietjet lỗ gộp 445,3 tỷ đồng, trong khi quý 2 lãi gộp gần 995 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ lên 1.351,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 156% lên 445 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 40% lên 175 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính trong quý 4/2022 lại tăng mạnh lên 4.731,4 tỷ đồng, con số này cao hơn nhiều con số 109,7 tỷ đồng của quý 4/2021 và gấp 3,8 lần doanh thu tài chính của cả 3 quý đầu năm 2022 cộng lại. Điều này chủ yếu đến từ 2.679,5 tỷ đồng lợi nhuận được chia, 1.269 tỷ đồng doanh thu tài chính khác và 733,3 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Doanh thu hoạt động tài chính quý 4 của Vietjet tăng mạnh so với các quý trước đây. Nguồn: BCTC Vietjet

Doanh thu hoạt động tài chính quý 4 của Vietjet tăng mạnh so với các quý trước đây. Nguồn: BCTC Vietjet

Ngoài ra, mục thu nhập khác trong kỳ của Vietjet cũng tăng mạnh từ 632 triệu đồng lên 1.747,7 tỷ đồng, góp phần giúp lợi nhuận trước thuế đạt mức 1.135,4 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, hãng bay này báo lãi 901,6 tỷ đồng, cao hơn nhiều các khoản lỗ 767,3 tỷ đồng của quý 3/2022 và 121,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 12 tháng 2022, tổng doanh thu của Vietjet (công ty mẹ) đạt 32.506,1 tỷ đồng tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 214,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 7.24 tỷ đồng của cùng kỳ, tuy nhiên vẫn thấp hơn quý 4 tới gần 687 tỷ đồng.

Toàn công ty lỗ 2.171 tỷ đồng, tổng nợ tăng hơn 18.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong năm 2022, tổng doanh thu của Vietjet cùng công ty con tăng gấp 3 lần so với thực hiện năm 2021, đạt mức 39.342,3 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá vốn lên đến 41.509,24 tỷ đồng, hãng bay vẫn lỗ gộp 2.166,9 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, Vietjet báo lỗ 2.171,3 tỷ đồng, thấp hơn nhiều khoản lãi 121,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VJC đạt ngưỡng 67.146,8 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm lớn nhất 26.929 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn (tăng 15,8%), bao gồm 14.253,4 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng (tăng 24,5%) và 9.952,3 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác (giảm 10%) và 675 tỷ đồng cho vay ngắn hạn đối với CTCP Trường Sơn Plaza.

Hạng mục lớn thứ 2 trong cơ cấu tài sản của VJC là 22.121 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn (tăng 31%), bao gồm 1.132,6 tỷ đồng trả trước cho người bán dài hạn, 818,2 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn và 20.170,3 tỷ đồng phải thu dài hạn khác.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ của Vietjet tăng 52% (18.105,8 tỷ đồng) so với đầu năm lên 52.905,3 tỷ đồng. Trong khi nợ dài hạn chỉ tăng 14,55% lên 22.082,88 tỷ đồng, thì nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên 30.822,5 tỷ đồng.

Các khoản tăng mạnh nhất trong cơ cấu nợ của Vietjet là 9.801,5 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn (tăng gấp 3), 1.843,1 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn (tăng 238%), 1.673,3 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn (tăng 80%), 3.503,4 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (tăng 818%). Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm nhẹ về còn 7.173,5 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.