Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), năm 2023 kết quả kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam – CTCP (HoSE: GVR) ghi nhận sự sụt giảm doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ so với cùng kỳ năm trước (với lần lượt -13% và -32%) do mảng cao su, chế biến gỗ đều đi xuống.
Trong đó, giá cao su trung bình nửa đầu năm 2023 ở mức thấp hơn 20% so với cùng kỳ trước khi tăng lại trong nửa sau năm 2023, kéo doanh thu mảng cao su cả năm của GVR giảm nhẹ 8%. Mảng gỗ lại giảm sâu (-40%) do các quốc gia xuất khẩu chính của Việt Nam đối mặt với lạm phát khiến tiêu dùng giảm, các biện pháp phòng vệ thương mại từ Nhật Bản, Đức, Mỹ…. đối với gỗ của Việt Nam.
Sang năm 2024 và 2025, ABS Research cho rằng, mảng cao su dự kiến sẽ trở nên tích cực hơn, cùng với đó mảng bất động sản khu công nghiệp đầy tiềm năng sẽ là các yếu tố chính kéo doanh thu của GVR lên.
Trong giai đoạn 2024 – 2025, ABS cho biết, GVR có định hướng trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với 360.000 – 370.000 ha (trong nước 245.000 – 255.000 ha, nước ngoài 115.000 ha), sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400.000 tấn, sản lượng gỗ cao su nguyên liệu khoảng 1,5 triệu m3 gỗ.
GVR sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu vỏ xe VRG với sản lượng 40.000 – 50.000 sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tiếp tục khai thác các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi, đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
ABS Research dự phóng, doanh thu thuần năm 2024 của GVR đạt 24.999 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.637 tỷ đồng, tăng 2%. Năm 2025, GVR có thể mang về 27.124 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 8% so với dự phóng năm 2024; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.920 tỷ đồng, tăng 10%.
Cụ thể, theo ABS Research, ngành cao su tại Việt Nam trong năm 2024 có thể tích cực hơn năm 2023 nhờ kỳ vọng giá tăng theo giá cao su thế giới. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam là Trung Quốc dự kiến trong năm 2024 có thể tiếp tục gia tăng nhu cầu khi chính phủ nước này có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, giúp việc nhập khẩu cao su tự nhiên tăng mạnh để phục vụ hoạt động sản xuất săm lốp.
ABS Research cho rằng, đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, GVR có thể gặp phải sự cạnh tranh đang lên của các nhà cung cấp Thái Lan hay Bờ Biển Ngà. Bên cạnh đó, thị trường cao su thế giới năm 2024 nhìn chung nhu cầu vẫn tương đối yếu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tác động lên sức tiêu thụ ô tô toàn cầu.
Mảng bất động sản khu công nghiệp của GVR có nhiều tiềm năng trong tương lai nhờ quỹ đất trồng cao su lớn. GVR hiện đang triển khai 8 dự án khu công nghiệp tại các công ty con và công ty liên kết, với tổng diện tích là 2.921 ha. Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất trồng cao su lớn nhất cả nước với 394.782 ha đất, tại nhiều địa điểm khác nhau như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh...
Theo ABS, GVR nắm tiềm năng lớn về phát triển khu công nghiệp trong dài hạn nhờ chiến lược chuyển đổi đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp với các lợi thế về vị trí đắc địa cũng như sự thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng. Việc chuyển đổi hơn 10.000 ha đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp là một cơ hội đặc biệt để công ty nắm bắt và phát triển.
Quan trọng hơn, trong thời gian tới, GVR có thể trực tiếp đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư của dự án, thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp để kinh doanh cho thuê thay vì chỉ thực hiện các thủ tục pháp lý và bàn giao đất cho các đơn vị khác (công ty con, công ty liên kết, công ty bên ngoài…) làm chủ đầu tư như hiện tại.
Tuy nhiên, các chuyên gia ABS cũng lưu ý, pháp lý của việc chuyển đổi đất trồng cao su sang khu công nghiệp còn nhiều khó khăn. Các khu vực đất trồng cao su của GVR khi chuyển sang làm khu công nghiệp cần thực hiện thủ tục pháp lý phức tạp để phê duyệt quy hoạch, thời gian đấu giá đất kéo dài. Cho đến năm 2023, mới chỉ có một số dự án có tiến triển dù kế hoạch GVR đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025 là chuyển đổi 7.000 - 8.000 ha đất cao su thành đất khu công nghiệp. Hiện tại, bên cạnh Nam Tân Uyên 3 mới đây đã được giao đất, GVR cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục cho các dự án Tân Lập 1, Nam Đồng Phú, Bắc Đồng Phú…
Đến năm 2025, GVR dự kiến sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xin phép đầu tư và triển khai đầu tư phát triển khu công nghiệp. Tổng diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2025 của GVR dự kiến đạt 23.444 ha, chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng cao su sang đầu tư khu công nghiệp. Doanh nghiệp đang triển khai 10.977 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 kì vọng có thể bắt đầu cho thuê và đóng góp vào kinh doanh của GVR từ năm 2024. Hiện nay hầu hết các khu công nghiệp hiện hữu của GVR đã lấp đầy, quỹ đất sạch mới không được bổ sung trong những năm gần đây do các vướng mắc pháp lý. Việc Nam Tân Uyên 3 được giao hơn 3.443.372,1 m2 đất thuê vào tháng 5 vừa qua đem lại kì vọng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn cho mảng khu công nghiệp của GVR.
HĐQT của Nam Tân Uyên đang lên kế hoạch tập trung làm việc với cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Dương để Nam Tân Uyên 3 sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Theo ước tính sơ bộ của Nam Tân Uyên, dự án Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ đồng/năm đến 2027 – 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến từ năm 2024.
Tình hình tài chính ổn định cùng vị thế doanh nghiệp đầu ngành (lượng tiền của GVR ở mức lớn hơn 16.000 tỷ đồng) giúp đảm bảo nguồn lực để doanh nghiệp thực hiện các dự án, đầu tư tài sản và chi trả nợ vay. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên ở mức dương và cao.
Mới đây, Cao su Việt Nam vừa được chấp thuận là nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh – giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh.
Dự án này có tổng vốn đầu tư là 2.350 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 352,5 tỷ đồng. Dự án có quy mô 495,17 ha, trong đó không bao gồm phần diện tích đường Xóm Bố - Bàu Đồn, kênh thủy lợi N8, tuyến đường quy hoạch cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và đường sắt TP HCM – Tây Ninh đi qua dự án.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.