Ảnh: Đạm Cà Mau |
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), năm 2024 dự báo CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE; DCM) có thể thu về 15.326 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.446 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
So với kết quả thực hiện của năm 2023 (số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất của DCM), doanh thu thuần và lãi ròng của doanh nghiệp dự báo tăng lần lượt 21,6% và 120% trong năm 2024.
Kết quả này đưa ra dựa trên dự báo của PSI về việc điều chỉnh giá phân bón ure trung bình cả năm 2024 lên mức 370 USD/tấn, sản lượng tiêu thụ phân bón ure của DCM được cải thiện lên mức hơn 890.000 tấn. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ phân bón NPK trong năm 2024 giả định tăng lên 300.000 tấn nhờ việc sáp nhập M&A nhà máy phân bón NPK Hàn – Việt. Chi phí kinh doanh của DCM được cải thiện kể từ năm 2024 khi nhà máy phân bón ure hết khấu hao.
Giá phân bón ure có thể tăng nhẹ trong năm 2024
Các chuyên gia của PSI cho rằng, giá ure thế giới tại các thị trường chủ chốt tiếp tục duy trì xu hướng hồi phục trước tác động của cả phía cung và cầu.
Theo đó, về phía cung, tác động đến từ việc nguồn cung dự báo sẽ tiếp tục bị thắt chặt khi Nga (quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới – chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa.
Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định giá. Điều này đã tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu bởi Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới.
Tại Trung Đông, chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% lượng khí cho sản xuất phân ure tại nước này, trong khi đó năm ngoái Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu.
Ảnh: PSI |
Về phía cầu, theo Rabobank, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng 5% nhờ việc giá phân bón trở nên bình ổn hơn. Cũng theo Rabobank ước tính, nhu cầu tiêu thụ phân bón ure toàn cầu trong năm 2024 ước đạt 108 triệu tấn. Sản lượng phân bón ure toàn cầu dự kiến sẽ đạt 109 triệu tấn.
Mức tiêu thụ toàn cầu đối với sản phẩm phân ure sẽ duy trì động lượng tăng trưởng đến năm 2030, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng gộp trung bình hàng năm (CAGR) chỉ đạt 1,42% trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030.
Theo báo cáo của PSI, các sự kiện trên đã thúc đẩy giá ure trên thị trường phân bón thế giới tiếp tục tăng sau khi có mức tăng mạnh do các yếu tố như căng thẳng leo thang ở Biển Đen khiến cho giá nông sản tăng mạnh.
Chi phí khấu hao của doanh nghiệp dự kiến giảm mạnh trong năm 2024
Nhà máy ure của DCM hết khấu hao kể từ quý 4/2023. Nhà máy này đi vào hoạt động từ quý 4/2011, được sử dụng chính sách khấu hao đường thẳng trong vòng 12 năm với chi phí khấu hao máy móc và thiết bị hằng năm gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Chi phí khấu hao tài sản cố định trong quý 4/2023 đã giảm mạnh chỉ còn hơn 59 tỷ đồng so với mức 322,8 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2023. Việc máy móc thiết bị nhà máy phân bón ure hết khấu hao sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí sản xuất kinh doanh, qua đó giúp cải thiện được biên lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 24,3% trong quý 4/2023 (từ mức 5,9% của quý 3/2023).
Ảnh: PSI |
Động lực tăng trưởng dài hạn từ việc sáp nhập nhà máy NPK Hàn - Việt
Báo cáo cho biết, Đạm Cà Mau sẽ thực hiện M&A nhà máy NPK Hàn - Việt (với giá trị đầu tư khoảng 600 tỷ đồng) trong quý 1/2024 và nâng tổng công suất sản xuất sản phẩm NPK lên 660.000 tấn/năm. Hiện tại công suất của nhà máy NPK Cà Mau là 300.000 tấn/năm. DCM có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp NPK khác khi có khả năng tự chủ được nguồn phân ure đầu vào.
Sản lượng kinh doanh phân bón NPK của doanh nghiệp có sự tăng trưởng khá lớn qua từng năm, từ mức 41.000 tấn trong năm 2021 lên hơn 152.000 tấn trong năm 2023. Chuyên gia của PSI kỳ vọng với hệ thống phân phối đã gây dựng từ trước cùng với năng lực sản xuất được gia tăng, trong năm 2024 sản lượng kinh doanh phân bón NPK của Đạm Cà Mau sẽ vượt 300.000 tấn.
Ngoài ra, giá bán NPK chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu, trong khi đó DCM đã chủ động ký kết những hợp đồng dài hạn về cung cấp nguyên liệu sản xuất cho sản phẩm NPK. Đây sẽ là yếu tố tạo nên sự đột phá trong kết quả kinh doanh dòng sản phẩm này của công ty.
Ảnh: PSI |
Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược của nhà máy phân bón NPK Hàn – Việt tại khu Công nghiệp Hiệp Phước (TP HCM) cách bến cảng Hiệp Phước 500m, đây sẽ là vị trí quan trọng để DCM có những bước tiến quan trọng vào thị trường tiềm năng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đạm Cà Mau cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm kho chứa rộng 2ha (20.000 m2) tại đây nhằm bổ sung sức chứa nguyên liệu và sản phẩm. Tổng sức chứa dự kiến tại Nhà máy NPK Hàn – Việt là 4,5ha (45.000 m2). Đây sẽ là đòn bẩy để DCM phát huy hoạt động xuất/ nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm phân bón khác.
Ngoài ra việc tận dụng diện tích kho bãi lớn của nhà máy KVF giúp DCM tiết giảm chi phí lưu kho và gia tăng sự linh hoạt trong việc lưu trữ nguyên liệu đầu vào để sản xuất NPK và các sản phẩm tự doanh của DCM.
Mặt khác, kể từ ngày 15/7/2023, thuế xuất khẩu phân bón NPK đã giảm về 0%, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Phân bón Dầu khí Cà Mau, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang đẩy mạnh xuất khẩu.
Đạm Cà Mau được chấp thuận đầu tư nhà máy tại Bình Định
Đạm Cà Mau vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - cơ sở Bình Định với diện tích gần 3 ha, tại Khu công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn, với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng (100% vốn đầu tư sẽ đến từ DCM).
Theo báo cáo của PSI, DCM sẽ triển khai dự án ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025. Nhà máy này sẽ sản xuất, phối trộn các loại phân bón NPK+TE, công suất khoảng 50.000 tấn/năm; đóng gói các loại phân bón với công suất khoảng 50.000 tấn/ năm; lưu trữ, kinh doanh các loại phân bón, nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.
Việc đầu tư mở rộng sản xuất giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống tồn trữ và phân phối, đảm bảo nguồn hàng luôn sẵn sàng và kịp thời ở các thị trường trọng điểm. Việc đầu tư sẽ mang lại hiệu quả và tạo lợi thế để công ty phát triển bền vững trong thời gian tới.