Kinh tế Việt Nam năm 2022: Triển vọng sáng, sức bật lớn

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Triển vọng sáng, sức bật lớn

KINH TẾ Việt nAM
00:30 - 01/02/2022
Không chỉ các tổ chức quốc tế, nhiều chuyên gia trong nước cũng có chung nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.

Báo cáo mới nhất vào giữa tháng 1/2022 của DBS Group Research dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có khả năng đạt tới 8%, vượt xa mức mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ Việt Nam đưa ra. Trước đó vào năm 2021, tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt 2,58%, mức tăng chậm nhất trong vòng 30 năm.

Nhà kinh tế học Chua Han Teng của DBS nhận định, mức tăng trưởng tiềm năng 8% của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ hợp lý hỗ trợ nền kinh tế trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục song hành cùng lạm phát thấp. Cũng theo dự báo này, xu hướng dòng vốn chuyển vào khu vực công nghiệp và thương mại sẽ góp phần kích thích đà phục hồi kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, chính sách tài khóa dự kiến tiếp tục nới lỏng trong năm 2022-2023 khi Việt Nam công bố Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào các giải pháp tài khóa với quy mô rất lớn, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn.

Với các hỗ trợ tích cực từ chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 vì vậy đang nhận được nhiều dự báo tích cực, vượt mức mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ đưa ra.

Tương tự như nhóm nghiên cứu từ DBS Group Research, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng đưa ra những dự báo rất lạc quan về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022. Thậm chí Capital Economics còn nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 có thể lên tới 12%.

Biểu đồ dưới đây cho thấy dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 của một số tổ chức quốc tế, trong đó chỉ có 2/15 tổ chức dự báo GDP Việt Nam năm nay nằm dưới ngưỡng mục tiêu 6-6,5%.

Trao đổi với Mekong Asean, nhiều chuyên gia trong nước cũng nhận định kinh tế Việt Nam năm 2022 đứng trước nhiều triển vọng tươi sáng.

BÀ PHẠM CHI LAN - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Tôi tin rằng Việt Nam hiện đang trong bầu không khí chuẩn bị cho cơ hội phục hồi tốt trong năm 2022, khi dịch bệnh đã lùi lại và chúng ta chuyển sang chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là chủ trương đúng đắn và là bước ngoặt quan trọng để từ đó không còn những rào cản làm đứt gãy chuỗi cung ứng như trước đây nữa.

Đồng thời, tinh thần của Chính phủ về các cải cách thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh, phục hồi kinh tế là rất rõ rệt. Sự đồng thuận của hệ thống chính trị để đưa Việt Nam lên một vị thế mới cũng rất rõ.

Mong rằng các thông điệp từ cấp cao nhất sẽ thấm nhuần đến tất cả các cơ quan ban ngành, các cấp khác nhau, biến thành những chính sách thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Còn doanh nghiệp bản thân họ cũng hồ hởi, vững tâm hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 hàng ngày vẫn còn rất cao nhưng doanh nghiệp hiện đã chủ động thích ứng, sống chung với dịch và rất chủ động vươn lên.

Những đầu tàu kinh tế phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang trong không khí như vậy, do đó triển vọng phục hồi rất sáng. Mong rằng các trung tâm kinh tế khác của miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng tiếp tục nỗ lực, rút ra những bài học mới, những cách thích ứng mới mẻ hơn để trở thành những động lực dẫn dắt sự phát triển chung.

ÔNG LÊ XUÂN NGHĨA - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia:

Chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là một chủ trương rất đúng đắn, tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế từ doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là khu vực dịch vụ và thương mại. Chính vì vậy, nền kinh tế quý IV/2021 và tháng 1/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Thông thường, khi nhìn vào một nền kinh tế thì người ta thường quan tâm đến hai chỉ số quan trọng nhất là chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và tỷ lệ thất nghiệp. PMI sản xuất tăng tức là tăng trưởng GDP bền vững, chỉ số thất nghiệp giảm phản ánh thị trường lao động mạnh mẽ lên, tức là đà phục hồi của GDP cũng mạnh mẽ tương ứng.

Nhìn vào chỉ số PMI sản xuất trong những tháng gần đây thì sẽ thấy rõ xu hướng sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, theo tính toán mới đây nhất của chúng tôi, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm khá nhiều. Điều này cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn là khả quan.

Điều chờ đợi lúc này là Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các gói phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cho vay doanh nghiệp, cho vay hộ nghèo, cho vay sinh viên… tức là độ bao phủ khá nhiều mặt. Trong Chương trình này, tôi kỳ vọng rất lớn vào các cấu phần như giảm thuế giá trị gia tăng, cho vay sinh viên… và đặc biệt là đầu tư công. Đây là những gói có khả năng tạo ra tính lan tỏa rất cao cho tăng trưởng kinh tế.

Chương trình phục hồi giờ đã có, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện, lộ trình thực hiện sao cho nhanh chóng, khẩn trương. Đặc biệt, phải gắn liền với chỉnh sửa luật để gỡ vướng cơ chế, chẳng hạn như luật đấu thầu vì luật này tác động rất lớn đến gói đầu tư công.

Trong năm 2022, chưa có dự báo nào cho thấy lạm phát ở Việt Nam có thể tăng lên cao. Tính toán của chúng tôi cho thấy lạm phát chỉ dao động đâu đó quanh mức 3%. Nếu đạt được mức như vậy thì đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc duy trì ổn định vĩ mô. Trong môi trường đó, các thị trường khác như bất động sản, chứng khoán sẽ bớt đi những đột biến, đời sống của nhân dân được đảm bảo ổn định do giá lương thực thực phẩm không biến động quá lớn.

Còn nếu ta để lạm phát quay trở lại, giá lương thực thực phẩm tăng vọt thì đó là thảm họa cho nền kinh tế nói chung và đặc biệt là cho người nghèo khi thu nhập giảm sút. Tất nhiên, khả năng lạm phát vượt tầm kiểm soát là rất thấp.

ÔNG ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia kinh tế của Học viện Tài chính:

Có lẽ ta không cần quá lo lắng khi chỉ số tăng trưởng GDP năm 2021 không được như mong muốn, bởi trong năm ngoái kinh tế khó khăn như vậy nhưng vẫn còn rất nhiều điểm sáng, từ bức tranh xuất nhập khẩu, tình hình sản xuất, dòng vốn FDI cho đến xu hướng phục hồi doanh nghiệp sau Nghị quyết 128 vào tháng 10.

Trên cơ sở này, rõ ràng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng trong năm 2022, rằng tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn nhiều. Thậm chí, tôi cho rằng Việt Nam không cần kích thích mạnh hơn, chỉ cần các gói hỗ trợ như năm ngoái (giãn hoãn thuế, giảm thuế phí…, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính) thì đã hoàn toàn có khả năng đạt được tăng trưởng 7-7,5% rồi.

Tất nhiên, khi có thêm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ vừa đưa ra thì chuyện đạt tăng trưởng GDP 7-7,5% là trong tầm tay và ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ở mức cao hơn nữa chứ không phải chỉ dừng lại ở 7-7,5%.

Về yếu tố lạm phát, không cần quá lo về rủi ro độ trễ lạm phát từ chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng trong 2 năm qua. Trên thực tế gói hỗ trợ trong 2 năm qua không quá lớn để gây rủi ro lạm phát vượt tầm kiểm soát. Còn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tới đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ rồi. Nền tảng vĩ mô của chúng ta đến nay vẫn rất tốt.

Vậy nên tôi đánh giá bức tranh triển vọng năm 2022 nhìn chung là tươi sáng, rủi ro lạm phát là không quá đáng ngại.

Đọc tiếp