Sân vận động "Tổ chim", nơi được xây dựng để phục vụ cho Olympic Bắc Kinh 2008 và tiếp tục được sử dụng cho Olympic mùa đông 2022. Ảnh: Hiroko Masuike/The New York Times |
Trên thực tế, mỗi kỳ Olympic trong những năm gần đây đều gây ra nhiều tranh cãi về chi phí vượt quá dự tính. Một nghiên cứu tại Đại học Oxford đã chỉ ra rằng chi phí vận hành các kì Olympic từ năm 1960 đã tăng trung bình gần 3 lần so với giá thầu ban đầu mà các thành phố đăng cai.
Thành phố Sochi ở Nga, nơi đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2014, đã chi và đầu tư hơn 50 tỷ USD, với một nửa trong đó là cho cơ sở hạ tầng. Khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2008, mức chi phí được công bố là 6,8 tỷ USD. Tuy nhiên con số này chưa bao gồm hàng chục tỷ USD khác mà thành phố đã sử dụng để xây dựng đường xá, sân vận động, đường cho tàu điện ngầm và nhà ga sân bay.
Đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu. Ảnh: Hiroko Masuike/The New York Times |
Chi phí đắt đỏ cho Olympic Mùa đông 2022
Với lần trở lại làm chủ nhà Olympic năm nay, thành phố Bắc Kinh tiếp tục phải chi số tiền khổng lồ do phục vụ các môn thi đấu đặc thù trong điều kiện băng tuyết. Để các vận động viên có thể thực hiện cú nhảy trong môn trượt tuyết, nước chủ nhà Trung Quốc đã tiến hành ốp thép cho một sườn đồi và phủ lớp tuyết nhân tạo dầy lên đó.
Ngoài ra, để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối các địa điểm thi đấu ở địa phương với thành phố chủ nhà Bắc Kinh, các kỹ sư đã cho xây dựng nhiều đường hầm xuyên qua những ngọn núi ở xung quanh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, để ngăn chặn virus lây lan, các nhân viên y tế đang phải tiến hành hàng chục nghìn xét nghiệm PCR mỗi ngày với những người tham gia Thế vận hội.
Với kỳ Olympic mùa đông 2022 này, Trung Quốc đặt ra mức ngân sách khoảng 3 tỷ USD đã bao gồm việc xây dựng các địa điểm thi đấu. Tuy nhiên, nó không bao gồm chi phí cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn được thực hiện trong những năm trước Thế vận hội.
Big Air Shougang, nơi tổ chức các môn trượt tuyết tự do và trượt ván tuyết. Ảnh: Hiroko Masuike/The New York Times |
Một trong các khoản đó là 2 tỷ USD để xây dựng một đường cao tốc từ phía tây bắc Bắc Kinh đến Diên Khánh, nơi tổ chức trượt tuyết Olympic và trượt tuyết Alpine. Ngoài ra, một khoản đầu tư trị giá 3,6 tỷ USD khác để mở rộng đường cao tốc đến thung lũng Taizicheng, nơi có các khu nghỉ mát trượt tuyết cũng chưa được liệt kê trong đây.
Trước khi Bắc Kinh giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, chính phủ đã bắt đầu chi 8,4 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc đưa du khách từ Bắc Kinh đến Nội Mông với tốc độ lên tới 349,2 km/h. Sau khi giành quyền đăng cai, quốc gia này lại tiếp tục bổ sung 1 tỷ USD để xây dựng một phân đoạn phụ tách ra khỏi tuyến đường chính và đi lên núi để tới địa điểm thi đấu Taizicheng.
Đại dịch cũng khiến chi phí tổ chức càng trở nên tốn kém hơn. Chỉ tính riêng chi phí phòng chống dịch, Olympic mùa hè tại Tokyo năm ngoái đã ngốn của Nhật Bản 2,8 tỷ USD. Đối với Trung Quốc, quốc gia theo đuổi chiến lược zero-Covid tập trung vào việc xóa bỏ hoàn toàn các ổ dịch, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sẽ còn phức tạp hơn nữa. Chi phí phòng dịch cũng sẽ khó đánh giá hơn khi có nhiều đầu mục và việc chi tiêu y tế có thể được tính vào.
Những lo ngại về đại dịch cũng đồng nghĩa rằng Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ không thu hút được khách du lịch, do ban tổ chức cho biết sẽ không mở bán vé cho khán giả quốc tế. Sau đó vào tháng trước, người dân Trung Quốc cũng được thông báo sẽ không được phép tham gia xem các trận đấu. Động thái này đã khiến hàng loạt các khách sạn tại Bắc Kinh phải cắt giảm mức thuê phòng cao được thiết lập riêng cho tháng 2.
Trung tâm trượt tuyết quốc gia Trương Gia Khẩu cho Olympic mùa đông 2022. Ảnh: Hiroko Masuike/The New York Times |
Tuy nhiên bất chấp tất cả những khó khăn này, giới chức Trung Quốc khẳng định chi phí tổ chức vẫn đang nằm trong ngân sách. Quốc gia này cũng rất cẩn thận với các chi phí tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc cũng như thế giới tăng trưởng chậm chạp.
Các biến thể mới của Covid-19, đặc biệt là Omicron, cũng gây ra nhiều lo ngại về việc phong tỏa và khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm tắc nghẽn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết, sự kiện này phải được sắp xếp một cách hợp lý để tạo nên một Thế vận hội “đơn giản, an toàn và rực rỡ”.
Theo các quan chức, ít khán giả hơn đồng nghĩa với việc ít nhân viên hơn. Ban tổ chức Thế vận hội cũng tiết kiệm được nhiều tiền bằng cách hủy bỏ lễ đón du khách nước ngoài và rút ngắn lễ rước đuốc xuống 3 ngày. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tái sử dụng các địa điểm thi đấu, một trung tâm truyền thông và các cơ sở khác được xây dựng từ trước đó cho Thế vận hội Mùa hè 2008.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, mức chi phí 3,1 tỷ USD bằng với mức chi phí trung bình được điều chỉnh theo lạm phát để đăng cai Thế vận hội mùa đông trước đó. Giáo sư Bent Flyvbjerg tại Oxford nhận định, mức ngân sách này đủ để chi trả cho các chi phí khi so sánh với kỳ Thế vận hội mùa đông trước đó, đặc biệt là khi nhiều các cơ sở đã được xây dựng.
Vận động viên bắn súng thể thao Yang Qian của Trung Quốc tại lễ rước đuốc cho Olympic 2022. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images |
Đối với các thành phố tổ chức Olympic trước đó, việc xây dựng chỗ ở cho các vận động viên, nhà báo và trung tâm truyền thông thường tiêu tốn nhiều tiền. Trung Quốc lại lựa chọn một cách tiếp cận khác khi yêu cầu các doanh nghiệp chịu thêm chi phí đăng cai.
Tại Trương Gia Khẩu gần Bắc Kinh, nơi đang tổ chức một số trận đấu, chính quyền đã tạm thời tiếp quản khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Genting Secret Garden thuộc sở hữu của người Malaysia. Khu nghỉ dưỡng này đã được mở rộng sức chứa lên 3.800 phòng và căn hộ nghỉ dưỡng, tăng 10 lần so với con số 380 trước khi Trung Quốc giành quyền đăng cai Olympic.
Lim Chee Wah, người sáng lập và đồng sở hữu khu nghỉ mát, chia sẻ ông chưa rõ chính phủ sẽ bồi thường bao nhiêu cho việc sử dụng khu nghỉ dưỡng, nhưng ông tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ công bằng. Hơn nữa, việc mở rộng tuyến đường sắt cao tốc qua thung lũng Taizicheng cũng đem đến hy vọng phát triển ngành du lịch và nghĩ dưỡng tại địa phương.
Các căn hộ tại khu nghỉ dưỡng Genting Secret Garden. Ảnh: Hiroko Masuike/The New York Times |
Đối với Trung Quốc, không có gì là quá đắt
Việc đăng cai Olympic mùa đông đang tiêu tốn của Trung Quốc hàng tỷ USD – một quy mô chi tiêu khiến sự kiện này ngày càng trở nên kém hấp dẫn với nhiều quốc gia. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức nó không đáng so với việc phải chịu một hóa đơn kếch xù, các sân vận động bỏ không và ít lợi ích du lịch hơn mong đợi.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại có tính toán khác đối với Olympic. Từ lâu trước đó, Bắc Kinh đã dựa vào các khoản đầu tư lớn trong việc xây dựng đường sắt, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác để cung cấp việc làm cho hàng triệu người dân và cắt giảm chi phí vận tải.
Ngoài ra, chính phủ cũng hy vọng có thể nuôi dưỡng sự yêu thích của người dân đối với các môn thể thao mùa đông như trượt tuyết, khúc côn cầu. Cùng với các môn thể thao mùa đông khác, chúng cũng có thể làm gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là tại vùng Đông Bắc lạnh giá và khó khăn về mặt kinh tế của đất nước.
Trung Quốc cũng coi Thế vận hội là một yếu tố giúp biến đổi thủ đô Bắc Kinh, nơi chỉ có khoảng 30cm tuyết tự nhiên khi mùa đông tới, thành một điểm đến toàn cầu cho các môn thể thao mùa đông.
Người phát ngôn hàng đầu của thành phố Bắc Kinh, Xu Hejian cho biết: “Thành công trong việc khai mạc Thế vận hội Mùa đông đã mang lại những lợi ích kinh tế tích cực và tạo ra những nguồn tăng trưởng mới cho nền kinh tế địa phương”.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ là một cơ hội để chứng minh cho thế giới sự đoàn kết và tự tin của quốc gia dưới sự lãnh đạo của ông. Nhà khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Baptist Hong Kong nhận định, như người Trung Quốc thường nói, đối với hình ảnh, uy tín và bộ mặt quốc tế của quốc gia thì không có gì là quá đắt đỏ.