Kỳ vọng từ Luật Đất đai sửa đổi: Bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên

LUẬT ĐẤT ĐAI QUỐC HỘI
18:53 - 24/01/2023
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Luật Đất đai sửa đổi cần có những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất; về cách thức thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trao đổi của ông Hoàng Minh Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV) với Mekong ASEAN khi Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

CẦN CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ, TIÊU CHÍ THU HỒI ĐẤT

Mekong ASEAN: Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Là người đại diện cho tiếng nói của cử tri, xin ông cho biết đánh giá, kỳ vọng đối với dự án Luật quan trọng này?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Luật Đất đai là một trong những luật quan trọng bậc nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta; bởi phạm vi tác động rất sâu, rộng, ảnh hưởng đến tất cả mọi đối tượng trong xã hội, nhất là đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính vì vậy, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua một cách kỹ lưỡng, thận trọng, theo quy trình thông qua tại 3 kỳ họp. Đây cũng là trọng tâm trong công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này.

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian rất thoả đáng để thảo luận về dự án luật này, với một phiên họp tổ và một ngày thảo luận tại hội trường. Do là kỳ họp đầu tiên nên các đại biểu còn có những ý kiến khác nhau. Đây là điều hết sức bình thường, thậm chí là dấu hiệu tích cực cho thấy các đại biểu rất quan tâm đến Dự án luật.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến rất nhiều nội dung của Dự án luật nhưng tựu trung lại thì có một số vấn đề lớn được quan tâm, như thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển quỹ đất…

Với vai trò là các đại biểu Quốc hội chuyên trách, chúng tôi mong muốn từ các ý kiến thảo luận tại kỳ họp vừa qua, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp và phân tích kỹ lưỡng; xác định những vấn đề lớn cần tập trung nghiên cứu, làm rõ trong Dự thảo.

Từ đó, đề xuất với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có các hình thức nghiên cứu, thảo luận theo các chuyên đề để có thể đề ra được các giải pháp cụ thể, phù hợp đối với từng nội dung, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 sắp tới đây.

Mekong ASEAN: Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm nhất của Luật Đất đai sửa đổi là việc thu hồi đất, giao đất. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra yêu cầu cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là Dự án Luật Đất đai sửa đổi cần có những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo hướng bảo đảm đúng tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Đồng thời, Dự án Luật cũng cần quy định cụ thể về cách thức thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại cũng như một số dự án khác.

Mekong ASEAN: Đền bù, giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn gây cản trở đầu tư công cũng như nhiều dự án hiện nay. Theo ông các quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật đã đủ để tháo gỡ các điểm nghẽn?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Từ lâu nay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng luôn được nhận diện là công đoạn gây mất nhiều thời gian nhất, là nguyên nhân gây chậm trễ trong việc triển khai các dự án, nhất là các dự án đầu tư công.

Nhận thức vấn đề này nên Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có điều khoản quy định trong trường hợp cần thiết thì có thể tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng. Điều này đáp ứng đề nghị của nhiều địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án.

Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng được coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt.

Tuy nhiên, theo tôi quy định này chỉ mới giải quyết được một phần về mặt thủ tục. Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua cũng đã có những dự án được phép thí điểm tách việc giải phóng mặt bằng thành dự án riêng nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi, điển hình như việc giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng sân bay Long Thành. Do vậy, vấn đề đặt ra là các quy định của Dự án Luật cần giải quyết được các vấn đề liên quan đến công tác thu hồi đất, xác định giá đất, tái định cư…

Nhưng như nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, Dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 4 vừa qua còn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ điển hình là chưa thể chế hoá được yêu cầu của Nghị quyết số 18 về việc có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Dự thảo Luật hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận chính sách này mà chưa có các quy định cụ thể để bảo đảm thực thi chính sách trên thực tế.

Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư công không chỉ phụ thuộc vào các quy định của Luật Đất đai mà còn liên quan đến các văn bản luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Do vậy, trong quá trình tiếp thu, chính lý hoàn thiện Dự án Luật Đất đai sửa đổi, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu một cách đồng bộ, bảo đảm sự kết nối thống nhất trong các quy định có liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng trong các văn bản luật khác nhau.

Chẳng hạn, hiện nay Luật Đầu tư công quy định việc tách riêng nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang quy định việc tách được thực hiện “đồng thời với việc phê duyệt chủ trương đầu tư”. Điều này có thể làm phát sinh cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc đền bù, giải phóng mặt bằng còn phụ thuộc vào việc tổ chức triển khai thi hành luật. Cùng một khuôn khổ pháp lý nhưng có những địa phương hiện nay đang triển khai thực hiện khá tốt, chẳng hạn như ở Quảng Ninh, Ninh Bình… Do vậy, tôi cho rằng sau khi Dự án Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, việc tổ chức triển khai thi hành luật cũng có ý nghĩa rất quan trọng. ĐBQH Hoàng Minh Hiếu

ĐỊNH GIÁ ĐẤT THEO "VÙNG GIÁ TRỊ, XÁC ĐỊNH THỬA ĐẤT CHUẨN" LÀ KHẢ THI

Mekong ASEAN: Xác định giá đất sát với thị trường cũng là vấn đề không dễ. Phương pháp mới nhất là định giá theo vùng giá trị, xác định các vùng đất chuẩn, hiện nay trên thế giới đã làm được. Phương pháp này cần bản đồ địa chính số, thiết lập được mạng lưới, thu thập được thông tin giá đất hàng ngày và thông tin chuẩn. Theo ông thời điểm hiện tại, chúng ta có thể áp dụng phương pháp này hay không?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Tài chính đất đai trong đó có việc xác định giá đất là vấn đề rất quan trọng nhưng phức tạp, rất được quan tâm trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này. Dự thảo đã dành riêng một mục gồm 6 điều trong Chương XI về “Tài chính về đất đai, giá đất” để quy định về về giá đất. Tuy nhiên, về phương pháp định giá đất thì đang quy định theo hướng chỉ đề ra các nguyên tắc, còn nội dung cụ thể giao cho Chính phủ quy định.

Giải trình tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc định giá đất về cơ bản vẫn sẽ kết hợp 5 phương pháp hiện hành, nhưng về lâu dài sẽ áp dụng phương pháp định giá theo “vùng giá trị, xác định thửa đất chuẩn”.

Để áp dụng được phương pháp này thì đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, có bản đồ địa chính số và thiết lập được mạng lưới thông tin về giá đất hàng ngày và theo chuẩn. Giá phổ quát trên thị trường sẽ được căn cứ vào toàn bộ hệ thống dữ liệu thu thập trên các thửa đất chuẩn và ở các vùng giá trị để xác định. Để xây dựng các điều kiện bảo đảm cho việc định giá theo phương pháp này, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khoảng thời gian ít nhất là 5 năm.

Tôi cho rằng với tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay thì thời hạn đó là phù hợp. Hiện nay, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã được hoàn thành từng phần, 30% số huyện trên cả nước đã hoàn thành xong bản đồ địa chính, số hoá được các dữ liệu.

Bên cạnh đó, nhiều công ty bất động sản cũng đang tích cực chuyển đổi số để làm cơ sở cho việc hiện đại hoá công tác quản lý dữ liệu liên quan đến giá đất. Có công ty đã thực hiện việc cập nhật dữ liệu giá nhà đất hàng ngày trên cả nước vào cơ sở dữ liệu để cung cấp cho nhiều đơn vị sử dụng khác nhau.

Vì vậy, nếu chúng ta có cách làm phù hợp, huy động được sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong nền kinh tế thì có thể trong thời gian ngắn, chúng ta có đủ dữ liệu để thực hiện phương pháp định giá đất như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề cập.

Mekong ASEAN: Luật Đất đai ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, theo ông dự thảo Luật đã có những thay đổi đột phá nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai, đẩy nhanh dự án?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Qua theo dõi quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tôi nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo đã chú ý lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề để các doanh nghiệp có thể đóng góp trực tiếp ý kiến. Do vậy cho đến nay, trong Dự thảo Luật đã có những quy định được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Chẳng hạn như Dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa Nghị quyết số 18 của Trung ương trong việc thực hiện nguyên tắc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu. Tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện hai phương thức này sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hoặc các quy định về cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, việc công khai, minh bạch trong các thủ tục về đất đai cũng sẽ là cơ sở để nâng cao tính cạnh tranh của thị trường.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp thì Dự thảo Luật vẫn cần được nghiên cứu, chỉnh lý để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai. Trong đó, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay vẫn là về thủ tục hành chính, nhất là việc kết nối thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục khác như về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản…

Việc dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là cơ hội rất tốt để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo. Hy vọng rằng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và sự nghiên cứu tiếp thu cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Dự thảo sẽ có những điểm tiến bộ vượt bậc, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp