Lãi vượt 21.000 tỷ đồng, VietinBank vẫn đánh mất vị trí Top 3 lợi nhuận ngành

VIETINBANK NGÂN HÀNG
13:58 - 31/01/2023
Lãi vượt 21.000 tỷ đồng, VietinBank vẫn đánh mất vị trí Top 3 lợi nhuận ngành
0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của VietinBank đạt 21.113 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Song, kết quả này cũng không đủ để giúp Vietinbank trụ vững vị trí Top 3 lợi nhuận ngành như thời điểm cuối năm 2021.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với tổng thu nhập hoạt động ghi nhận 17.245 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng tích cực.

Thu nhập lãi thuần quý 4/2022 tăng trưởng 23,6% đạt 12.848 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 53% mang về hơn 1.785 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.129 tỷ đồng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán đầu tư kinh doanh chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và các hoạt động kinh doanh khác lại ghi nhận sụt giảm, thậm chí lỗ.

Kết quả, quý 4/2022, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.349 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế cả năm 2022, Vietinbank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 64.580 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 47.930 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác đều ghi nhận kết quả tích cực, tăng lần lượt 97% và 94% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ VietinBank, lãi thuần từ hoạt động khác của ngân hàng tăng đột biến trong năm chủ yếu do việc đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ.

Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh đều ghi nhận âm lần lượt 36 và 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hàng trăm tỷ.

Năm 2022, ngân hàng tiếp tục tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro thêm 5.781 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 21.113 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Nếu so sánh với kết quả của các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận của Vietinbank đã rơi khỏi vị trí Top 3 năm 2021, chỉ giữ vị trí Top 5 lợi nhuận ngành. Thậm chí, nếu so sánh với 2 ngân hàng Big4 đã công bố kết quả kinh doanh là Vietcombank, BIDV, ngân hàng này đang ghi nhận lợi nhuận thấp nhất.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của VietinBank tăng 18,1% đạt 1,8 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 12,7% đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7,5% đạt gần 1,25 triệu tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối năm 2022, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 10% đạt 15.796 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu nội bảng lại giảm nhẹ từ 1,26% cuối năm trước về 1,24%. Bên cạnh đó, việc tăng cường trích lập dự phòng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng tăng lên gần 190% thời điểm cuối năm 2022.

Ở một diễn biến mới đây, Vietinbank thông qua phương án sẽ phát hành tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu, gồm 3.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 5.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Phát hành chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ quý 4/2022 đến quý 1/2023 với 5.000 tỷ đồng và đợt 2 là từ quý 2/2023 đến quý 3/2023 với 4.000 tỷ đồng. Trường hợp đợt 1 chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì phần bán chưa hết được chuyển qua đợt 2 tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.