Làm rõ nguyên nhân du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại 'đi trước về chậm'

DU LỊCH Việt nAM
09:59 - 15/03/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, nhìn lại một năm sau ngày mở cửa du lịch trở lại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cách đây đúng 1 năm, ngày 15/3/2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Việt Nam đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm.

Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022 lại chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa?

Ông cũng nêu vấn đề bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"?

Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Việt Nam đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?

Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Bên cạnh đó, phát triển du lịch phải gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí và nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch nhanh, bền vững.

Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế…

Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, các đại biểu hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.

Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau Covid-19.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).

Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Tin liên quan

Đọc tiếp