VN-Index vừa cập nhật toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết ước tính, tổng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) giảm 30,4% so với cùng kỳ, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trước diễn biến trên, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) gần đây đã gửi văn bản tới một số công ty để lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu, chủ yếu do các doanh nghiệp bị thua lỗ nhiều năm liên tục.
Trong danh sách này, đáng chú ý nhất là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.
Căn cứ Nghị định 155/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.
Do vậy, nếu không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022 có kiểm toán sắp tới, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị buộc phải rời sàn HoSE.
Đây không phải lần đầu tiên HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. HoSE cũng từng cảnh báo Vietnam Airlines về vấn đề này hồi tháng 9 năm ngoái. Tại thời điểm đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh thời gian tới, tổng công ty cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu như tăng cường thích nghi, tái cơ cấu tài sản để gia tăng dòng tiền, chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai phương án tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vietnam Airlines nhấn mạnh việc phục hồi sản xuất kinh doanh đã có những kết quả ban đầu khả quan, hoạt động từng bước ổn định và đang chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phát triển thời gian tới.
Trước đây, lãnh đạo hãng bay này cũng từng chia sẻ cố gắng bằng mọi giải pháp để duy trì việc niêm yết cổ phiếu HVN, đồng thời cho rằng đây là trường bất khả kháng chứ không phải vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Tương tự Vietnam Airlines, một doanh nghiệp khác trong ngành du lịch là Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (HoiAntourist, HoSE: HOT) cũng đối mặt với tình trạng lỗ liên tục trong các năm gần đây vì đại dịch Covid-19.
Cụ thể, năm 2022, doanh thu dù có sự phục hồi từ đáy nhưng chỉ đạt 40 tỷ, bằng 1/3 trước dịch. Điều này khiến doanh nghiệp bị lỗ tiếp 19 tỷ và lỗ lũy kế lên gần 64 tỷ đồng.
Hiện HoiAntourist có gần 8 triệu cổ phiếu đang lưu hành và thị giá lao dốc mạnh về 18.600 đồng, tức mất 38% giá trị kể từ đầu năm 2023.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang triển khai khôi phục kinh doanh trong năm 2023 với trọng tâm là du lịch nội địa, đẩy mạnh doanh thu 2 khách sạn, giảm lỗ từ dự án Tam Thanh, phấn đấu có lãi từ công ty Lữ hành Hội An, khắc phục nhanh tình trạng lỗ kéo dài bởi đại dịch và mong được tiếp tục duy trì cổ phiếu tại HoSE, đảm bảo uy tín công ty và quyền lợi cổ đông.
Ngoài ra, một số cái tên quen thuộc khác cũng góp mặt trong danh sách cảnh báo của HoSE bao gồm CTCP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: UDC); CTCP Năng lượng và bất động sản (HoSE: MCG); CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (HoSE: SII).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của UDC cho thấy, lỗ sau thuế đã lên tới 39.503 tỷ đồng. UDC liên tục thua lỗ trong 3 năm gần đây. Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 72.235 tỷ đồng.
MCG cũng báo lỗ sau thuế hơn 84 tỷ đồng năm 2022. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, MCG báo lỗ. Năm 2020, doanh nghiệp bất động sản này lỗ hơn 9,3 tỷ đồng và năm 2021 là 36,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, SII ghi nhận lỗ ròng 89 tỷ đồng trong năm vừa qua và đã lỗ liên tục giai đoạn 2020-2022.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng vừa ra thông báo nhiều cổ phiếu có khả năng bị hủy niên yết do lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ.
Theo HNX, cổ phiếu của CTCP VKC Holdings (HNX: VKC) có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn thực góp tại ngày 31/12/2022 tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Theo báo cáo tài chính tự lập, năm 2022 VKC Holdings báo lỗ sau thuế gần 237,7 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi ròng 2,3 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế của công ty đến ngày 31/12/2022 là hơn 215,2 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty là 200 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, giá cổ phiếu VKC giao dịch ở 1.600 đồng/cp, rơi về vùng giá thấp nhất. Thậm chí, nếu chỉ so với thời điểm một năm trước, cổ phiếu này cũng đã đánh mất hơn 70% thị giá.
Tương tự, cổ phiếu KVC của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ có khả năng bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp. Nếu báo cáo kiểm toán năm 2022 công ty tiếp tục lỗ.
Trong khi đó, theo báo cáo Kim Vĩ tự lập, năm 2022 công ty lỗ sau thuế hơn 12 tỷ đồng, khả quan hơn so với mức lỗ hơn 33 tỷ đồng năm ngoái. Tổng số lỗ lũy kế của công ty đến ngày 31/12/2022 là gần 17,4 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, giá cổ phiếu KVC cũng giao dịch ở 1.600 đồng/cp.
HNX cũng lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết của CTCP Cơ khí lắp máy Lilama (HNX: L35) nếu công ty tiếp tục báo lỗ trong báo cáo kiểm toán năm 2022. Trước đó, hai năm 2020 và 2021, Cơ khí lắp máy Lilama báo lỗ ròng lần lượt 9,7 tỷ đồng và 6,6 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính do công ty tự lập, năm 2022 Cơ khí lắp máy Lilama tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 8,7 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế đến cuối năm ngoái lên hơn 15,2 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Lilama 7 (HNX: LM7) cũng có khả năng bị hủy niêm yết nếu tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2022. Theo báo cáo được Lilama 7 công bố, lỗ lũy kế của công ty thời điểm cuối năm ngoái là hơn 55,7 tỷ đồng, cao hơn so với vốn thực góp là 50 tỷ đồng. Mức lỗ lũy kế trên do Lilama 7 lỗ sau thuế gần 20,2 tỷ đồng trong năm vừa qua, cao hơn mức lỗ 15,5 tỷ đồng trong năm 2021.