Loạt doanh nghiệp thủy sản báo lãi gấp nhiều lần trong quý II

THỦY SẢN Việt nAM
15:49 - 06/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu thủy sản thời gian qua ghi nhận hàng loạt mốc kỷ lục, doanh nghiệp thủy sản cũng nhờ đó tăng trưởng doanh thu nhờ xuất khẩu tốt, trong đó phải nhắc đến "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn, IDI, Camimex...

Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận nhiều kỷ lục như: Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt hơn 5,7 tỷ USD trong 6 tháng, xuất khẩu hải sản vượt mốc 2 tỷ USD, xuất khẩu cá tra lần đầu đạt 1,4 tỷ USD.... Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng từ 12 – 55% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu thủy sản đạt kết quả lạc quan đã kéo theo việc kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng "phất" lên, nhiều doanh nghiệp đã báo lãi kỷ lục, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021.

Lãi gấp 3 lần, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022

Trong quý II/2022, CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) đạt 4.226 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý này, Vĩnh Hoàn cũng mang về lợi nhuận gấp 3 lần, đạt 788 tỷ đồng.

Trong tháng 6/2022, doanh nghiệp thu về 608 tỷ đồng từ việc tiêu thụ cá tra. Ngoài ra, các sản phẩm phụ của doanh nghiệp cũng giúp Vĩnh Hoàn mang về 236 tỷ đồng.

So với tháng 5/2022, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong tháng 6 giảm tới 30%, trong đó doanh thu cá tra giảm 41%. Nguyên nhân do các thị trường xuất khẩu chính đều ghi nhận giảm so với tháng trước, cụ thể thị trường Hoa Kỳ giảm tới 59%, châu Âu giảm 5%.

Tại thị trường nội địa, tiêu thụ cũng ghi nhận giảm nhẹ ở mức 1%. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, thị phần thủy sản của Vĩnh Hoàn lại tăng 19% bất chấp chính sách “Zero Covid” của quốc gia này.

Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu từ việc xuất khẩu sang các thị trường vẫn tăng trưởng tốt trong tháng 6/2022. Do đó đã kéo doanh thu thuần của công ty tăng tới 240%, đạt 7.493 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 240%, đạt 1.341 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, Vĩnh Hoàn đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ để hưởng lợi từ sự thiếu hụt thủy sản. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu sang thị trường này tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 330 triệu USD, chiếm 31% tổng trị giá xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang các thị trường quốc tế.

Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 46%.

IDI lãi gấp 8 lần nhờ giá cá tra xuất khẩu tăng

Cùng với Vĩnh Hoàn, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (mã chứng khoán: IDI) cũng tăng gấp 8 lần tiền lãi trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với 229,4 tỷ đồng.

Mặc dù giá vốn bán hàng của doanh nghiệp tăng 16%, đạt 1.956 tỷ đồng tuy nhiên, nhờ doanh thu đạt mức 2.385 tỷ đồng, tăng 30% nên đã kéo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng tới 197%, đạt 429 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, IDI đạt 4.257 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021; thu về 430,8 tỷ đồng tiền lãi, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm của cá tra của doanh nghiệp đạt tới 2.002 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước nhu cầu tìm kiếm nguồn cung cá thịt trắng của các nước châu Âu và Mỹ (do các lệnh trừng phạt đối với Nga đã khiến cá minh thái của nước này vào châu Âu khó khăn hơn), IDI đã bắt đầu tìm cách đẩy mạnh vào các thị trường này. IDI cho biết đã bắt đầu giảm dần thị phần của mình tại Trung Quốc và chuyển dần xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và châu Phi với đơn giá xuất khẩu cao hơn.

Tính đến hết cuối tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu của IDI đạt tỷ trọng 15%, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm; kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ tăng lên gần 40% (từ mức 28%)…

Trong khi đó, tại thị trường Australia, IDI đã hợp tác toàn diện với một nhà nhập khẩu vào Australia với kim ngạch xuất khẩu đạt 5% thị phần của IDI (tăng từ mức 2,3%). Sản phẩm của IDI sẽ được phân phối tại chuỗi siêu thị lớn nhất nước này, với nhu cầu tăng mạnh.

Trong năm nay, IDI đặt chỉ tiêu đạt 8.300 tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã đạt 51% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận.

Camimex thu về lãi cao nhất trong 2 năm

Trong quý II/2022, CTCP Camimex Group (mã chứng khoán: CMX) đã thu về 897,1 tỷ đồng doanh thu thuần, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng 24%. Phần tiền lãi doanh nghiệp cũng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 46,4 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá vốn bán hàng của doanh nghiệp tăng lên, đạt mức 767 tỷ đồng, tương ứng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Các chi phí khác cũng tăng như chi phí tài chính tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; chi phí bán hàng tăng 68%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp đạt 1.158 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá vốn của hàng hóa đã bán đạt 426 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi, chi phí bán hàng tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp chỉ đạt 1.367 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế của Camimex chỉ đạt 71,5 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, con số này đã tăng 126% so với cùng kỳ năm 2021.

Camimex được biết đến là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành thủy sản Việt Nam. Hiện nay, Camimex Group có 6 công ty con và một công ty liên kết. Trong đó, một trong số công ty con của Camimex là CTCP Camimex (Camimex Corp) đang có nhà máy chế biến với diện tích 4,5 ha, tổng công suất lên tới hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm.

Cùng với đó, công ty con là CTCP Camimex Organic là công ty quản lý vùng nuôi tôm sinh thái liên kết tại Cà Mau với diện tích 40.000 ha (diện tích rừng chiếm 50% và diện tích nuôi tôm chỉ chiếm 50%). Camimex là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai tôm sinh thái từ năm 2000 và đạt được chứng nhận tôm sinh thái do Naturland và IMO cấp.

Trong năm 2022, Camimex đặt kế hoạch đạt 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần với 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Cũng trong năm nay, Camimex hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 160 triệu USD với sản lượng sản xuất đạt 13.000 tấn thành phẩm.

Navico đạt đỉnh quý II kể từ năm 2008

Trong quý II/2022, CTCP Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) ghi nhận đạt 1.294 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng này xuất phát từ sản lượng và giá bán đều tăng. Từ đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 240,6 tỷ đồng.

Trong quý này ghi nhận sự tăng vọt về biên lãi gộp, chủ yếu xuất phát từ việc từ mảng cá tra. Nếu cùng kỳ năm 2021, 100 đồng doanh thu của doanh nghiệp mang về 13 đồng lãi gộp thì quý II/2022, con số này đã lên tới hơn 35 đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Navico đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 447,3 tỷ đồng, gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm quý II/2021.

Kết quả kinh doanh đạt kết quả khả quan nhờ kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường đều tăng trưởng tốt. Doanh thu xuất khẩu đóng góp 70% tổng doanh thu với sản phẩm chả cá và thành phẩm đông lạnh, thị trường chính gồm châu Á, châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc.

30% còn lại thuộc về doanh thu từ thị trường nội địa với các sản phẩm tiêu thụ chính như như điện, chả cá, dầu cá, thành phẩm đông lạnh.

Trong năm 2022, Navico lên kế hoạch đạt 4.900 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 720 tỷ đồng.

Hiện tại, cơ cấu lợi nhuận của Navico bao gồm các mảng cá tra đông lạnh xuất khẩu, nuôi cá nguyên liệu, chế biến, thức ăn thủy sản, chế biến sản phẩm GTGT, phụ phẩm và điện mặt trời. Ban lãnh đạo Navico kỳ vọng khi nhà máy Collagen & Gelatin đi vào hoạt động giai đoạn I sẽ mang lại 1,5 triệu USD lợi nhuận, đóng góp 10% lợi nhuận.

Trong năm 2022, Navico cho biết sẽ tập trung vào chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo môi trường. Đồng thời duy trì năng lực sản xuất và cải thiện kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, thủy sản để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, ổn định.

Ngoài các doanh nghiệp trên, còn có nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng đạt lợi nhuận gấp nhiều lần như CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) ghi nhận mức lãi quý II cao nhất trong vòng 10 năm (2013 - 2022), đồng thời cũng là mức cao nhất trong các quý kể từ năm 2019, đạt 118,4 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh trong quý II cũng như nửa đầu năm 2022 đạt kết quả lạc quan như trên nhờ nguồn thu thủy sản tăng lên của Sao Ta, từ 2.066 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2021) lên mức 2.656 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Sao Ta thu về 161 tỷ đồng tiền lãi, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2022, Sao Ta đặt mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng doanh thu thuần; tôm thành phẩm chế biến đạt 25.000 tấn; tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 20.000 tấn; nông sản chế biến đạt 2.200 tấn.

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã chứng khoán: ACL) cũng thu về gấp 3 lần tiền lãi so với ghi nhận trong quý II/2021, đạt 33 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2022, ACL thu về 96 tỷ đồng tiền lãi, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, ACL đặt kế hoạch đạt 1.450 tỷ đồng doanh thu thuần với lãi trước thuế là 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 318% so với cùng kỳ năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp