Tích trữ vàng tại Việt Nam vốn là thói quen truyền thống, được coi như tài sản tiết kiệm để phòng ngừa những biến động về chính trị, kinh tế vì tính bền bỉ, lâu dài. Trong tâm lý và văn hóa của người Việt, từ thời xa xưa, vàng luôn được coi là một biểu tượng của sự giàu có và may mắn. Vì vậy người Việt Nam thường có xu hướng mua vàng mỗi khi dư dả, vào ngày thần tài và mua để tặng vàng cho con cái làm vốn.
Với tâm lý này, trong những ngày gần đây, nhiều người dân đang phải lặn lội xếp hàng dài từ sáng sớm đến tối muộn để mua vàng "bình ổn giá" tại các địa điểm mà nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước bán vàng.
Trước tình trạng trên, trong cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/6, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, ngoài thói quen đầu cơ tích trữ vàng của người dân để dành dụm tích lũy tài sản thì nhiều người còn bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tích trữ vàng không chỉ “chôn chặt” nguồn vốn phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến giá trị đồng nội tệ và giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ.
Người dân xếp hàng dài đợi mua vàng. Ảnh: Quách Sơn |
Không để "vàng hóa" nền kinh tế
Trước sự biến động của giá vàng trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường vàng như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC và bước đầu triển khai việc bán vàng online của Vietcombank…
Cách làm mới đã nhanh chóng hạ nhiệt giá vàng từ đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 10/5 về quanh vùng 75,98 triệu đồng/lượng (mua vào) - 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra) tính đến thời điểm 13/6/2024.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Tại Nghị quyết ngày 5/6, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng. NHNN phải khắc phục tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch. "Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô," Nghị quyết nêu.
Quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm chênh lệch giá. |
Cần thay đổi tập quán mua vàng vật chất
Đánh giá về nhu cầu mua vàng, tại cuộc họp do NHNN tổ chức, GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, so với các quốc gia khác ở châu Á, thu nhập bình quân của Việt Nam thuộc nhóm thấp, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vàng trên đầu người lại ở ngưỡng trung bình (số liệu của WGC năm 2022 tiêu dùng vàng bình quân đầu người của Việt Nam là 1,2 gram). Như vậy, mặc dù đã giảm so với những năm trước nhưng mức độ "ưa thích giữ vàng" ở Việt Nam vẫn còn khá cao khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực.
Chính việc các quỹ đầu tư vàng liên tục bán tháo trong thời gian qua đã khiến giá vàng giảm mạnh và người dân ở các quốc gia châu Á thấy đây là cơ hội để mua vàng vào, sau một thời gian dài giá vàng đã ở mức cao. Nhu cầu vàng vật chất chỉ trong mấy tháng qua đã lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm.
Theo TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, không đất nước nào không muốn hạn chế việc đầu tư tích trữ vàng và ở những thời điểm nhất định, họ có thể đưa ra các biện pháp khác nhau để giảm thiểu tình trạng này.
Từ kinh nghiệm các nước phương Tây, ông Phước cho biết, các quốc gia khác sẽ kinh doanh vàng dựa trên chứng chỉ vàng, tiếp cận trực tiếp giá vàng bằng giá quốc tế, đồng thời cũng mua vàng bằng tài khoản chứ không xếp hàng như người Việt Nam khi mua các lượng vàng vật chất.
"Ở các nước trên thế giới, có quốc gia bán vàng không giới hạn cho người dân nhưng họ vẫn có thể cung ứng dịch vụ mua bán vàng đó thông qua các tiện ích như chứng chỉ vàng, có thể mua 100 lượng vàng thậm chí 1000 lượng vàng bằng một giá quy đổi quốc tế," TS Trương Văn Phước cho biết.
Việt Nam cũng có thể làm được, vị chuyên gia này nhận định, mặc dù cần phải có thời gian nhưng cũng cần có bước đi nhanh hơn để có thể thay đổi một tập quán mua bán vàng vật chất. Để từ đó chuyển qua một trong những tiện ích mà thị trường tài chính quốc tế đã cung ứng - đó là những sản phẩm phi vật chất, gọi là "phi vàng hóa vật chất" mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân, ông Phước nói.
TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. |
Ở góc nhìn khác, chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng, các nhà đầu tư quốc tế không ôm vàng tích trữ, họ bán vàng ra vì nhận thấy nguồn lợi nhuận ngắn hạn từ vàng là thấp hơn so với việc đầu tư vào thị trường chứng khoán hay trái phiếu.
"Những nhà đầu cơ này không có nhu cầu mua và cất giữ vàng như thói quen của người dân châu Á hay Việt Nam. Họ đổ tiền vào vàng khi thấy có cơ hội, khi thấy chứng khoán có lợi nhuận cao hơn, họ lại đổ tiền vào chứng khoán, không cố chấp một hình thức đầu tư nào," ông Phước nhận định.
Đánh thuế vàng để tránh đầu cơ
Từ trước đến nay, hoạt động kinh doanh vàng chưa bị đánh thuế vì phần lớn người dân chỉ mua vàng để tích trữ, không phát sinh hoạt động kinh doanh nhưng hiện thực tế đã thay đổi, vì vậy các chuyên gia cho rằng cần thiết phải đánh thuế giao dịch vàng.
Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính đề xuất cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế tương tự với vàng. Theo bà Mùi, giải pháp có thể ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác là kiểm soát giá vàng. Ngoài ra, việc áp thuế giúp đảm bảo công bằng trong kinh doanh vàng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính. |
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nói, công cụ hữu hiệu nhất để xử lý buôn lậu, đầu cơ trên thị trường là đánh thuế. "Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế," ông Nghĩa nhận xét.
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính cho rằng, vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người dân bên cạnh các kênh truyền thống khác như bất động sản, gửi tiết kiệm....
Vì thế, vị chuyên gia này nhận định để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu..., bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.