Lợi nhuận của Thế giới số DGW được dự báo giảm gần 30% năm 2023

DGW Thế giới số
07:09 - 12/06/2023
Lợi nhuận của Thế giới số DGW được dự báo giảm gần 30% năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo ước tính lợi nhuận ròng 2023 của DGW sẽ giảm 28,8% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng yếu, nhưng sẽ tăng trưởng trở lại mức 23,3%/năm trong giai đoạn 2024 - 2026.

CTCP Thế Giới Số (HoSE: DGW) đã phát triển nhanh trong 3 năm qua với doanh thu tăng trưởng kép 38,6% trong 2018 - 2022 để trở thành nhà phân phối ICT (các sản phẩm công nghệ thông tin) hàng đầu Việt Nam, vượt qua FPT Synnex và PET về doanh thu.

Hiện tại, DGW là doanh nghiệp phân phối có số lượng POS lớn nhất với 6.000 (PET:1.700; FPT Synnex: 3.800), thống trị thị phần sản phẩm Xiaomi (~80%) cũng như là một trong những nhà phân phối ủy quyền lớn của Apple tại Việt Nam.

Nhu cầu thị trường tạo động lực tăng trưởng cho DGW

Theo đánh giá của Euromonitor, hiện nay, Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, dân số trẻ và có sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Do đó, dự kiến, nhu cầu về các loại sản phẩm điện tử tiêu dùng và gia dụng tại Việt Nam sẽ giữ tốc độ tăng trưởng bền vững từ 6% - 10% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2026.

Do đó, DGW, doanh nghiệp chuyên phân phối hàng điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới, bất chấp những biến động kinh tế vĩ mô bất lợi đã tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động của DGW trong năm 2023.

DGW đã xây dựng được hệ thống phân phối mạnh với thị phần ICT dẫn đầu về doanh thu với sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận ròng trong 5 năm qua, đạt tốc độ tăng trưởng kép lần lượt là 38,6% và 57,6%.

Trong 2 năm gần đây, DGW đã ký hợp đồng phân phối sản phẩm với nhiều thương hiệu tiềm năng như Apple (từ cuối năm 2020), Whirlpool và Joyong trong ngành hàng gia dụng, hàng tiêu dùng với ABInBev và thiết bị công nghiệp thông qua sáp nhập Achison. Đây sẽ là chất xúc tác tăng trưởng cho DGW trong giai đoạn tiếp theo của tiêu dùng Việt Nam.

Đối mặt với năm 2023 đầy khó khăn

Tuy nhiên, DGW đang đối mặt với một năm 2023 đầy thách thức khi người dân thắt chặt tài chính tiêu dùng đối với sản phẩm không thiết yếu. Các chuyên viên phân tích của VNDirect ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của DGW sẽ giảm lần lượt 2,8% và 28,9% so với cùng kỳ trong năm 2023, trước khi quay trở lại chu kỳ tăng trưởng từ 2024.

Nhận định được những khó khăn này, cuối tháng 3 vừa qua, HĐQT DGW đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 giảm mạnh so với kế hoạch đã thông báo trước đó. Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 20.000 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 400 tỷ đồng, giảm 42%.

Giữa tháng 2, HĐQT DGW đã thống nhất kế hoạch kinh doanh 2023 đạt 25.100 tỷ đồng doanh thu và 787 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 14% và 15% so với năm trước.

Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, kế hoạch kinh doanh đặt ra đã bị hạ xuống đáng kể, nếu chỉ xét về lợi nhuận, DGW đã giảm chỉ tiêu đề ra gần 50% so với kế hoạch trước đó.

Trong giai đoạn 2024 - 2026, khi nhu cầu ICT phục hồi, đặc biệt đối với các sản phẩm của Xiaomi và Apple, kết hợp với việc DGW mở rộng sang các mảng kinh doanh khác sẽ giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng của DGW có thể đạt khoảng 11,9% và 23,3% mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2026.

Cơ hội hồi phục trong giai đoạn 2024 - 2026 nhờ phân phối các thương hiệu

Theo VNDirect, tiềm năng của tăng giá của cổ phiếu DGW có thể đến từ nhu cầu ICT cao hơn kỳ vọng, đặc biệt với Xiaomi, Apple và việc doanh nghiệp mở rộng phân phối các thương hiệu mới tốt hơn kỳ vọng. Còn nguy cơ giảm giá có thể do nhu cầu ICT thấp hơn kỳ vọng; mức độ mở rộng thương hiệu ít hơn và việc DGW chấm dứt phân phối nhãn hàng như Xiaomi/Apple.

VNDirect cho rằng rủi ro lớn nhất đối với hoạt động phân phối của DGW nằm ở các hợp đồng phân phối với các thương hiệu, chẳng hạn như việc mất vị thế độc quyền phân phối Xiaomi kể từ tháng 1/2022 đã khiến kỳ vọng tăng trưởng của Xiaomi chậm lại.

Do đó, mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng phân phối hoặc thay đổi điều khoản phân phối sẽ làm giảm lợi ích cho DGW. Các yếu tố vĩ mô toàn cầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm của DGW như các xung đột khiến việc cung ứng sản phẩm đổ vỡ, thiếu chip do thay đổi chính sách quốc tế khiến hàng hóa khan hiếm hay suy thoái mới khiến nhu cầu ICT giảm mạnh cũng sẽ tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh của DGW.

Mặc dù có dấu hiệu bão hòa nhưng VNDirect kỳ vọng mảng điện thoại thông minh (đóng góp gần 50% doanh thu của DGW trong năm 2022) sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kể từ năm 2024 sau khi phục hồi từ những khó khăn trong năm 2023.

Dựa trên dữ liệu từ Euromonitor, tốc độ tăng trưởng hàng năm của doanh số điện thoại thông minh tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2027 chỉ dao động ở mức 0,1% - 2,1% so với cùng kỳ, cho thấy sự bão hòa của thị trường điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, tổng giá trị thị trường điện thoại thông minh vẫn duy trì mức tăng trưởng 7,7% - 9,4% hàng năm, chủ yếu nhờ giá trung bình của điện thoại thông minh tăng. Dự kiến, tới 2027, tổng quy mô thị trường điện thoại thông minh sẽ đạt 182.162 tỷ đồng.

Cổ phiếu DGW đang chứng kiến một đà tăng kéo dài từ cuối tháng 3, giúp thị giá của DGW tăng gần 34% từ vùng giá 28.700 đồng/cp (kết phiên 31/3) lên mức giá 38.350 đồng/cp (phiên 9/6). Ảnh: TradingView
Cổ phiếu DGW đang chứng kiến một đà tăng kéo dài từ cuối tháng 3, giúp thị giá của DGW tăng gần 34% từ vùng giá 28.700 đồng/cp (kết phiên 31/3) lên mức giá 38.350 đồng/cp (phiên 9/6). Ảnh: TradingView

Mặc dù thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam tăng trưởng ở mức dưới 2 con số, nhưng VNDirect cho rằng 5 năm tới DGW vẫn sẽ hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi thông qua lộ trình tắt 2G, tăng trưởng mạng 5G. Cùng với đó là công tác chống buôn lậu đối với sản phẩm điện thoại thông minh để khuyến khích các nhà phân phối chính hãng như DGW.

Mặt khác, nhu cầu đối với điện thoại thông minh cao cấp gia tăng tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm Apple cũng như kích thích tiêu thụ những thương hiệu làm nên doanh thu chính của DGW là Xiaomi và Apple.

Trên thị trường chứng khoán, theo xu hướng thị trường, cổ phiếu DGW đang chứng kiến một đà tăng kéo dài từ cuối tháng 3, giúp thị giá của DGW tăng gần 34% từ vùng giá 28.700 đồng/cp (kết phiên 31/3) lên mức giá 38.350 đồng/cp (phiên 9/6). Với mức giá này, vốn hóa của DGW đạt hơn 6.407 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.