Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group. |
Trong thông cáo báo chí về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023, Masan đã có thông tin về việc đầu tư của SK Group và Bain Capital vào tập đoàn.
Theo Masan, khoản đầu tư vốn cổ phần của Bain Capital vào tập đoàn có thể tăng lên 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán của công ty. Masan đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA ≤ 3,5x.
"Đây thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của MSN", thông cáo nêu.
Với SK Group, Masan khẳng định đây là đối tác dài hạn của công ty. Đối với phần vốn sở hữu của SK Group tại MSN, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.
Liên quan đến nghĩa vụ tài chính, Masan cho biết đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nợ đáo hạn vào năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức trái phiếu đáo hạn chỉ rơi vào mức xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền hiện tại của công ty là hơn 14.000 tỷ đồng và EBITDA cho 12 tháng gần nhất là khoảng 14.000 tỷ đồng.
Tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng từ 4.900 tỷ đồng đến 12.250 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital.
“Dòng tiền tự do (FCF) cũng cho thấy sự cải thiện liên tục, với FCF quý 3/2023 đạt 2.202 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỷ đồng trong quý 3/2022 nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả”, Masan nêu trong thông cáo.
SK Group là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề lớn tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, SK đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập, đầu tư vào nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau.
Năm 2018, SK Group đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group, thông qua quỹ thành viên SK Investment Vina II. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, đây vẫn là cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ 9,26% cổ phần của Masan (tương ứng 131,8 triệu cổ phiếu).
Tháng 4/2021, thông qua công ty con là SK South East Asia Investment, SK Group mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce (nay là WinCommerce), với tổng giá trị tiền mặt 410 triệu USD.
Lợi nhuận Masan tiếp tục tăng trưởng âm, trả 19 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày
Đến tháng 11/2021, SK Group tiếp tục đầu tư 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần của The CrownX – công ty con của Masan. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Masan và SK tại The CrownX lần lượt là 85% và 4,9%.
Bain Capital là quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Đầu tháng 10 vừa qua, Masan công bố việc Bain Capital đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng. Đây là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông (CDPS) với tỷ lệ 1:1.
Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm. Ngoài cổ tức cố định, mỗi CDPS sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông. Vào năm thứ 10, các CDPS sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan Group.