Chuẩn bị đàm phán giá điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

NĂNG LƯỢNG EVNEPTC
22:23 - 09/03/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/3, Công ty mua bán điện (EVN EPTC ) vừa có văn bản đề nghị chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cung cấp hồ sơ tài liệu để phục vụ công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

Theo đó, để phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện của một phần/toàn bộ nhà máy điện chưa có giá điện, EVNEPTC đề nghị các chủ đầu tư rà soát hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và có đánh giá của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án (theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022).

Hồ sơ bao gồm: Quyết định chủ trương đầu tư; Chứng nhận đầu tư còn hiệu lực; Giấy đăng ký kinh doanh của công ty; Giấy phép xây dựng còn hiệu lực và phù hợp; Quyết định giao đất/Cho thuê đất của UBND tỉnh/thành phố hợp lệ; Quyết định đầu tư xây dựng công trình kèm theo thuyết minh và báo cáo thẩm định dự án đầu tư nhà máy của tư vấn độc lập, các tài liệu kèm theo; Quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư lần đầu hoặc điều chỉnh của dự án có hiệu lực tại thời điểm đàm phán giá điện...

Hồ sơ cũng bao gồm tính toán sản lượng điện và văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với điện lượng của dự án; tài liệu tính toán tổn thất công suất và điện năng của máy biến áp, đường dây truyền tải từ nhà máy điện đến điểm đấu nối với hệ thống điện quốc gia và tài liệu tính toán điện tự dùng trong nhà máy điện...

Các chủ đầu tư dự án xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương.

Chuẩn bị đàm phán giá điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp ảnh 1 Chuẩn bị đàm phán giá điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp ảnh 2

62 dự án điện gió không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Trước đó, ngày 2/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện để kịp thời huy động nguồn năng lượng tái tạo lớn, tránh lãng phí tài nguyên.

Đồng thời, Bộ cũng hướng dẫn EVN về phương pháp xác định giá phát điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp dựa trên nguyên tắc: Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định.

Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.

Khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (theo quy định tại Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023), thấp hơn giá FIT từ 21-29% và được tính bằng VNĐ.

Đây là mức giá tối đa để EVN và các nhà phát triển năng lượng đàm phán giá mua điện. Tức là giá mua thực tế từ các dự án điện tái tạo chuyển tiếp có thể dưới hoặc bằng mức giá tối đa này.

Tại thời điểm khung giá trần nói trên được ban hành, chuyên gia của VNDirect đã đưa ra nhận định, khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.

Theo tính toán của VNDirect, mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể tỷ suất sinh lời (IRR) của các dự án điện năng lượng mặt trời chuyển tiếp. Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời khi áp dụng khung giá mới chỉ trên 5%, trong khi nếu được áp dụng giá FIT ưu đãi (1.680 đồng một kWh) thì tỷ suất sinh lời là 11,7%. Còn các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ) mức IRR giảm xuống lần lượt 8% và 7,9% từ mức 12,7-12,9 % theo giá FIT cũ.

Tin liên quan

Đọc tiếp