Montana trở thành bang đầu tiên tại Mỹ cấm Tik Tok

CÔNG NGHỆ MỸ
07:54 - 18/05/2023
Văn phòng của Tik Tok tại Culver City, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images
Văn phòng của Tik Tok tại Culver City, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 17/5, Thống đốc Montana Greg Gianforte ký phê chuẩn luật cấm ứng dụng video ngắn TikTok hoạt động trên phạm vi toàn bang, khiến nơi này trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm nền tảng mạng xã hội tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.

Theo hãng tin Reuters, luật mới của Montana sẽ coi việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp Tik Tok là bất hợp pháp và các công ty công nghệ này có thể bị phạt 10.000 USD/ngày nếu vi phạm lệnh cấm. Nền tảng mạng xã hội sở hữu bởi công ty Trung Quốc ByteDance cũng có thể bị phạt cho mỗi lần vi phạm và phạt bổ sung 10.000 USD/ngày nếu hành vi vi phạm tiếp diễn.

Tuy nhiên, những cá nhân sử dụng ứng dụng này sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào. Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và có khả năng rất cao sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý để được thông qua. Trên thực tế, các nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm TikTok và WeChat hồi năm 2020 đã từng nhiều lần bị tòa án chặn và chưa bao giờ thành công.

Lệnh cấm này vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức, trong đó có Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU). ACLU chỉ trích luật này của bang Montana là "vi hiến", đồng thời cảnh báo rằng rằng nó sẽ có hiệu lực từ năm sau nếu các tòa án không hành động.

Trong một tuyên bố chính thức, giám đốc chính sách tại ACLU Keegan Medrano cho biết: “Với lệnh cấm này, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana - những người sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và điều hành doanh nghiệp nhỏ của họ”.

Ông Carl Szabo, cố vấn chung của hiệp hội thương mại NetChoice, cũng chỉ trích luật mới của chính quyền bang Montana. Reuters trích dẫn tuyên bố của ông trong cùng ngày cho biết: "Chính phủ không thể chặn khả năng truy cập ngôn luận được bảo vệ trong hiến pháp của người dân, bất kể nó tới từ một tờ báo, một trang web hoặc thông qua một ứng dụng”. Ngoài ra, ông cũng khẳng định chính quyền bang đã “bỏ qua Hiến pháp Mỹ, tự do ngôn luận và tiến bộ”.

Bản thân Tik Tok cũng phản đối luật mới của bang Montana khi cho biết "vi phạm quyền của người dân Montana trong Tu chính án thứ nhất bằng cách cấm Tik Tok một cách bất hợp pháp". Trong bối cảnh đó, tập đoàn khẳng định sẽ "tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana”.

CEO Tik Tok Shou Zi Chew xuất hiện tại phiên điều trần của của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ ngày 23/3. Ảnh: Reuters

CEO Tik Tok Shou Zi Chew xuất hiện tại phiên điều trần của của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Tik Tok là một nền tảng mạng xã hội phổ biến thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance. Ứng dụng này đã trở nên phổ biến với người dùng trẻ tuổi trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ với tổng cộng hơn 150 triệu người dùng. Một cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy có tới 67% thanh thiếu niên Mỹ từ 13 đến 17 tuổi sử dụng Tik Tok, với 16% người dùng là thanh thiếu thiên cho biết sử dụng ứng dụng này gần như liên tục.

Tuy nhiên, nền tảng này trong khoảng thời gian gần đây liên tục phải đối mặt với những lời phản đối từ các nhà lập pháp và quan chức Mỹ do lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của chính phủ Trung Quốc đối với nền tảng này.

Hồi tháng 3 vừa qua, giám đốc điều hành Tik Tok Shou Zi Chew đã tham dự một phiên chất vấn tại Quốc hội Mỹ về việc liệu chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng hoặc tác động đến những gì người Mỹ nhìn thấy trên Tik Tok hay không.

Đáp lại những cáo buộc này, Tik Tok nhiều lần phủ nhận, đồng thời khẳng định không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và cũng sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu. Hiện nền tảng này đang thực hiện một sáng kiến mang tên Project Texas nhằm tạo ra một thực thể độc lập để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ tại lãnh thổ Mỹ và trên các máy chủ do công ty công nghệ Oracle của Mỹ vận hành.

Tin liên quan

Đọc tiếp