MSB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng

MSB NGÂN HÀNG
11:06 - 02/09/2022
MSB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng, theo các phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 458,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ chia là 30%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.582,5 tỷ đồng lên 19.857,5 tỷ đồng.

Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để chia cổ tức và tăng vốn sau khi trích lập đầy đủ các quỹ theo Báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (ESOP), dự kiến thực hiện sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 142,5 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành ESOP.

Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.725 tỷ đồng, lên 20.000 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý II/2022, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của MSB tăng mạnh 181% so với cùng kỳ 2021 lên 561 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư mang về khoản lãi gần 662 tỷ đồng thay vì lỗ 8 tỷ như cùng kỳ.

Mặt khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm đến 74% xuống còn 580 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Hoạt động chứng khoán kinh doanh tiếp tục ghi nhận lỗ 1,4 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng lỗ đến 635 tỷ đồng trong 6 tháng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, MSB đạt tổng lợi nhuận sau thuế gần 2.641 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 49% kế hoạch năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước; tổng tài sản tăng 14% lên 233.000 tỷ đồng. Huy động vốn và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lần lượt tăng 15% và 25%; Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Trong năm 2022, MSB còn có kế hoạch thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM). Đây là công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ hồi cuối năm 2021, thương vụ chuyển nhượng FCCOM đã mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự kiến ngân hàng sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu của MSB có khả năng tăng lên trong nửa cuối năm 2022

Theo báo cáo cập nhật về ngân hàng MSB, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết mặc dù chất lượng tín dụng của MSB được cải thiện đáng kể trong quý II, nhóm phân tích vẫn lo ngại về tỷ trọng cho vay lĩnh vực xây dựng và bất động sản vẫn còn ở mức cao, cũng như khả năng thanh toán các khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi thông tư 14 hết hiệu lực. SSI Research cho rằng tỷ lệ nợ xấu của MSB có khả năng tăng lên trong nửa cuối năm 2022. Cụ thể:

SSI Research cho biết số dư nợ xấu quý II của MSB ở mức 1.700 tỷ đồng, giảm 16% so với quý trước, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,5% (từ 1,79% trong quý I), ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tín dụng là 115 tỷ đồng trong quý II. Các khoản vay tái cơ cấu giảm 18% so với quý trước xuống còn 2,4 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,1% tổng tín dụng) và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,4 tỷ đồng trong quý IV.

Trong quý II, MSB ghi nhận tổng dư nợ tín dụng tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 113.500 tỷ đồng. Trong khi dư nợ cho vay mua nhà (tăng 30,4% so với đầu năm) và cho vay kinh doanh vật liệu xây dựng (tăng 151% so với đầu năm) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản đang được thu hẹp dần (giảm 9,3% so với đầu năm).

Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà, cho vay xây dựng và bất động sản trong tổng dư nợ lần lượt đạt khoảng 13,6% (15.000 tỷ đồng), 12% (13.200 tỷ đồng), và 9,7% (10.700 tỷ đồng).

Tin liên quan

Đọc tiếp