Quang cảnh tháp Kremlin và nhà thờ Ivan Đại đế ở Moscow, Nga. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin RT, Bộ Ngoại giao cùng Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt này vào ngày 23/8 – ngay trước thềm ngày quốc khánh của Ukraine – nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong cuộc xung đột kéo dài với Moscow.
Hàng loạt lệnh trừng phạt bổ sung được Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là "một phần trong cam kết lâu dài của chúng tôi nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của mình", nhắm vào những bên hỗ trợ chuỗi cung ứng và căn cứ quốc phòng của Nga, cũng như những bên giúp Moscow né các lệnh trừng phạt hiện tại.
Cụ thể, CNN trích dẫn tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington đang nhắm mục tiêu vào "nhiều mạng lưới xuyên quốc gia, bao gồm cả những bên tham gia mua sắm đạn dược và vật tư quân sự cho Nga, tạo điều kiện cho các nhà tài phiệt Nga trốn tránh lệnh trừng phạt thông qua các dịch vụ thành lập công ty và ủy thác nước ngoài, rửa tiền cho một công ty vàng của Nga bị trừng phạt và hỗ trợ cơ sở công nghiệp quân sự của Nga bằng cách mua sắm các mặt hàng nhạy cảm và quan trọng".
Thông cáo báo chí cho biết cơ quan này “cũng đang nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ tài chính của Nga cung cấp phần mềm và giải pháp CNTT cần thiết cho lĩnh vực tài chính của Nga". Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định hiện có "gần chục mạng lưới riêng biệt" bao gồm hơn 100 cá nhân và tổ chức trên 16 khu vực đang hỗ trợ Nga.
Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan này khẳng định lệnh trừng phạt mới "đang nhắm mục tiêu vào các thực thể và cá nhân tham gia vào các ngành sản xuất và xuất khẩu năng lượng, kim loại và khai thác trong tương lai của Nga, những thực thể và cá nhân trốn lệnh trừng phạt, các cơ sở công nghiệp quân sự của Nga, bao gồm sản xuất UAV, các thực thể hậu cần hàng không, các công ty con của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom cùng các tác nhân liên quan đến nỗ lực tái giáo dục đối với trẻ em Ukraine".
Trong khuôn khổ lệnh trừng phạt, một số cá nhân, trong đó bao gồm con trai Pavel Belousov và vợ Yevgenya của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov, sẽ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Công ty tư vấn của gia đình này cũng đồng thời chịu số phận tương tự.
Việc bị đưa vào danh sách đen đồng nghĩa với việc bất kỳ tài sản hoặc quyền lợi nào đối với tài sản của những cá nhân ở trong danh sách, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều bị chặn và phải được báo cáo cho chính phủ Mỹ. Bất kỳ giao dịch nào giữa công dân Mỹ - hoặc công dân nước ngoài tại Mỹ – với những cá nhân bị trừng phạt đều bị cấm.
Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ cùng các đồng minh đã áp đặt hơn 22.000 lệnh trừng phạt đối với quốc gia này.