Một trại tị nạn gần Khan Younis nơi quân đội Israel đang đẩy mạnh tấn công. Ảnh: Reuters |
Bắt đầu từ tuần trước, Israel đã phát động các đợt tấn công vào Khan Younis ở phía nam Gaza – nơi được nước này cho là trụ sở chính của lực lượng Hamas chịu trách nhiệm cho vụ tấn công ngày 7/10 vào miền nam Israel khiến 1.200 người thiệt mạng. Chính phủ nước này vẫn luôn khẳng định mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt hoàn toàn Hamas và giải thoát các con tin vẫn đang bị giam giữ.
Tới ngày 22/1, hãng tin Reuters dẫn lời người dân địa phương cho biết cuộc oanh tạc trên không, trên bộ và trên biển vào Khan Younis là dữ dội nhất ở miền nam Gaza kể từ khi giao tranh chính thức nổ ra hồi tháng 10. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Gaza Ashraf al Qidra, quân đội Israel lần đầu tiên di chuyển vào quận Al-Mawasi gần bờ biển Địa Trung Hải, phía tây Khan Younis.
Tại đây, các binh sĩ tiến vào bệnh viện Al-Khair và bắt giữ các nhân viên y tế. Tính tới tối ngày 21/1, ông Qidra cho biết có ít nhất 50 người đã thiệt mạng tại thành phố lớn phía nam Gaza này, trong khi khi các cuộc bao vây tại các cơ sở y tế khiến hàng chục người chết và bị thương nằm ngoài tầm với của lực lượng cứu hộ. Kể từ khi giao tranh bắt đầu, Cơ quan y tế Gaza cho biết ít nhất 25.295 người Palestine đã thiệt mạng tại Gaza.
Israel từ lâu đã cáo buộc các chiến binh Hamas hoạt động trong và xung quanh các bệnh viện trong khi lực lượng Hamas và các nhân viên y tế đều phủ nhận việc này.
Phản ứng lại tình hình trước mắt, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 22/1 khẳng định Israel có quyền tự vệ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi hy vọng các hành động của Israel phù hợp với luật pháp quốc tế và để bảo vệ những người vô tội trong bệnh viện, nhân viên y tế cũng như bệnh nhân nhiều nhất có thể”.
Với mỗi ngày trôi qua, các mối lo ngại từ cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng trước việc số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của quân đội Israel cũng như trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người. Chính phủ Mỹ đã từng nhiều lần kêu gọi Israel giảm bớt tổn hại cho dân thường và giảm quy mô các chiến dịch tấn công, đồng thời kêu gọi hai bên thực hiện giải pháp hai Nhà nước cho cuộc xung đột hiện tại để có thể đạt được hòa bình lâu dài.
Tuy nhiên, các động thái từ chính phủ Israel cho thấy sự phản đối của nước này với giải pháp trên. Trong cùng ngày 22/1 tại Brussels, Ngoại trưởng Israel Israel Katz đã bỏ qua cuộc thảo luận về giải pháp hai Nhà nước tại cuộc họp với các đối tác Liên minh Châu Âu.
Trước đó ngày 21/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tái khẳng định ông sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối cứng rắn về vấn đề thành lập Nhà nước Palestine bất chấp các áp lực cả quốc tế lẫn trong nước. Ông khẳng định: “Tôi sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel đối với tất cả lãnh thổ phía tây sông Jordan”.