Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo ở thị trấn Karuizawa, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, vụ việc trên xảy ra có liên quan đến cuộc giao tranh quyền lực đẫm máu giữa quân đội chính quy Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy. Các cuộc đụng độ giữa hai bên bắt đầu diễn ra từ sáng 15/4.
Ngoại trưởng Blinken đã gọi điện riêng cho ông Al-Burhan và ông Daglo để nói rằng bất kỳ mối nguy hiểm nào gây ra cho các nhà ngoại giao Mỹ là không thể chấp nhận được.
"Tôi có thể xác nhận rằng hôm qua, một đoàn xe ngoại giao của Mỹ đã bị bắn", Ngoại trưởng Blinken cho biết tại cuộc họp báo hôm nay ở thị trấn Karuizawa, Nhật Bản - nơi ông tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7.
"Tôi đã nói rất rõ ràng rằng bất kỳ mối đe dọa tấn công nào, gây nguy hiểm cho các nhà ngoại giao của chúng tôi là hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông Blinken nhấn mạnh, đồng thời xác nhận những người trong đoàn xe ngoại giao đều an toàn.
“Tất nhiên, chúng tôi cũng quan ngại sâu sắc về môi trường an ninh nói chung vì chúng ảnh hưởng đến dân thường, các nhà ngoại giao cũng như các nhân viên cứu trợ”, ông Blinken nói.
Khói bốc lên từ khu vực xảy ra giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự ở thủ đô Khartoum, ngày 17/4. Ảnh: AFP |
Nhà ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi các bên ngừng bắn trong 24 giờ để “cho phép người dân Sudan được đoàn tụ an toàn với gia đình” và để cung cấp viện trợ cho họ.
Trước đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Jesep Borrell ngày 17/4 thông báo trên Twitter rằng Đại sứ EU tại Sudan Aidan O’Hara đã bị tấn công tại nhà riêng ở thủ đô Khartoum khi các cuộc đụng độ nổ ra.
"Vụ tấn công này là một hành vi vi phạm trắng trợn công ước Vienna. An ninh của các cơ sở ngoại giao và các nhân viên là trách nhiệm chính của chính quyền Sudan và cũng là nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”, ông Borrell nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các bên xung đột “cần một lệnh ngừng bắn khẩn cấp” và khuyến khích đối thoại.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã liên lạc với cả hai bên để thúc giục ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, nhưng lời kêu gọi này không được đáp ứng. Washington hiện không có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Sudan.
Giao tranh đã trở nên căng thẳng hơn vào ngày 17/4 khi tướng Al-Burhan ra lệnh giải thể RSF, gọi tổ chức này là “nhóm nổi loạn”. Trong khi đó, chỉ huy RSF Daglo gọi ông Al-Burhan là “phần tử Hồi giáo cực đoan đang ném bom dân thường từ trên không".
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Volker Perthes cho biết, cuộc giao tranh ở Sudan đã khiến 185 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương. 3 nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc cũng nằm trong số những người thiệt mạng trong giao tranh, buộc cơ quan này phải tạm dừng hoạt động tại Sudan.
Quang cảnh đổ nát sau cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 17/4. Ảnh: Reuters |
Theo Guardian, cuộc xung đột tại Sudan có nguy cơ đẩy một trong những quốc gia lớn nhất và có tầm quan trọng chiến lược nhất của châu Phi rơi vào tình trạng hỗn loạn. Các nhà phân tích cho rằng chỉ có những áp lực từ các bên trung gian "nặng ký" mới có cơ hội chấm dứt cuộc chiến này.
Trong một bài phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Ai Cập vào cuối ngày 17/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi cho biết ông sẽ thường xuyên liên lạc với lãnh đạo quân đội Sudan và RSF để “khuyến khích họ chấp nhận ngừng bắn và không để dân thường phải đổ máu”.
Hội đồng của Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện, trong khi Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.