Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News |
Theo AFP, biện pháp trên là một phần trong gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc), hiện đã được Quốc hội Mỹ thông qua và đang được đệ trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ký ban hành thành luật, đồng thời nhắc lại quan ngại của ông đối với Tiktok thông qua cuộc điện đàm hiếm hoi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng này.
Nếu được Tổng thống Biden thông qua, ByteDance sẽ có 270 ngày để bán Tiktok, hoặc Tiktok sẽ bị loại bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ. Thời hạn trên sẽ kết thúc trùng vào lễ nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2025. Tổng thống Mỹ khi đó sẽ có quyền gia hạn thêm 3 tháng nếu nhận thấy ByteDance gần hoàn tất các thủ tục thoái vốn.
Ông Steven Mnuchin, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết ông quan tâm đến việc mua lại TikTok và đã tập hợp một nhóm các nhà đầu tư.
Trong thời gian qua, các quan chức Mỹ và phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về sự phổ biến của Tiktok đối với giới trẻ, cáo buộc ứng dụng này cho phép thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng, cũng như được Trung Quốc sử dụng làm phương tiện tuyên truyền. Trung Quốc và phía công ty của Tiktok đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc trên. Ước tính có khoảng 170 triệu người dùng Tiktok chỉ riêng tại Mỹ.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ hôm 20/4, Tiktok đã phàn nàn rằng “thật không may” khi các nhà lập pháp đã thông qua dự luật “chà đạp lên quyền tự do ngôn luận” của 170 triệu người dùng Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đã đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm.
Tỷ phú Elon Musk – chủ sở hữu của mạng xã hội X (Twitter), hôm 19/4 đã phản đối việc cấm Tiktok. Ông cho rằng động thái này “đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận và biểu đạt”.
Theo Reuters, vào năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã bị Tòa án chặn trong nỗ lực chặn Tiktok và WeChat ở Mỹ. Tuy nhiên, dự luật mới đây nhất được các chuyên gia đánh giá rằng nó có thể mang lại cho chính quyền Tổng thống Joe Biden cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để cấm Tiktok nếu ByteDance không thoái vốn.
Cuộc giằng co kéo dài 4 năm về Tiktok chỉ là một “mặt trận” trong cuộc chiến về Internet và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuần trước, Apple cho biết Bắc Kinh đã ra lệnh xóa Meta Platforms, WhatsApp và Threads khỏi App Store ở Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.