Năm 2022 PG Bank làm ăn ra sao khi Petrolimex sắp thoái vốn thành công

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:28 - 03/02/2023
Năm 2022 PG Bank làm ăn ra sao khi Petrolimex sắp thoái vốn thành công
0:00 / 0:00
0:00
Trước thông tin sắp về tay chủ mới, ngân hàng PG Bank báo lợi nhuận năm 2022 tăng vọt 54% (tương đương 506 tỷ đồng) so với năm trước và vượt 24% kế hoạch năm (tương đương 406 tỷ đồng).

Tại báo cáo tài chính quý 4/2022 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) ghi nhận, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã có mức tăng vọt lên 107% so với cùng kỳ, tương đương đạt hơn 119 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần tăng đến 32% so với cùng kỳ, đạt 334 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 1% và 149% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 27% so với cùng kỳ, trong khi mảng chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tỷ trọng đóng góp của các hoạt động này vào tổng thu nhập hoạt động của PG Bank không quá lớn, kết quả kinh doanh chung của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều.

Trong quý 4, ngân hàng này cũng giảm mạnh trích lập dự phòng với chi phí dự phòng giảm 36% so với cùng kỳ, xuống còn 52 tỷ đồng.

Mặc dù vậy cả năm 2022, trích lập dự phòng rủi ro tại PG Bank vẫn tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương khoản tiền là 272 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 506 tỷ đồng, tăng 54% so với năm ngoái và vượt 24% kế hoạch năm (406 tỷ đồng). Trong đó, thu nhập từ lãi thuần vẫn là nguồn đóng góp chính với hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Về chất lượng tài sản, tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của PG Bank đạt hơn gần 49.000 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cuối năm 2021. Tổng huy động của ngân hàng này đạt trên 31.200 tỷ đồng, tăng 11,3%. Dư nợ tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái.

Trong năm qua, nợ xấu nội bảng tại PG Bank đã tăng 7,3% lên 745 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 2,52% lên 2,56%.

Tại thời điểm cuối năm 2022, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại PG Bank là hơn 951 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm 31/12/2021.

Năm 2022, PGBank cho biết ngân hàng này không có kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng như thực hiện chia cổ tức. Như vậy, đây là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng và năm thứ 10 liên tiếp không chia cổ tức.

Trước đó, ngân hàng này từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010 thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Trước thông tin cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này là Tập đoàn Petrolimex đang nắm giữ 40% cổ phần tại ngân hàng có ý định thoái toàn bộ vốn trong năm 2022, mới đây, HĐQT Tập đoàn Petrolimex đã thông qua phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư tại PG Bank.

Nghị quyết về thoái vốn vừa được HĐQT Petrolimex thông qua dựa trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban tái cơ cấu PG Bank tại Tờ trình ngày 13/01/2023 và Báo cáo thẩm định, đề xuất của Liên Ban - Phòng: Chiến lược và Đầu tư, Kiểm soát, Kiểm toán, Quản trị rủi ro, Tài chính - Kế toán và Phòng Pháp chế Tập đoàn ngày 27/01/2023.

Theo đó, Petrolimex sẽ thoái vốn theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Mức giá khởi điểm thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư sẽ lấy giá cao nhất một trong hai mức giá sau: Giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PG Bank trên sàn chứng khoán UpCom trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn).

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PGB tăng vọt với khối lượng đột biến trong ba phiên giao dịch gần đây. Chốt phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu PGB đang mang sắc tím với giá giao dịch là 19.500 đồng/cổ phiếu. Phiên trước đó, mã này cũng tăng hơn 9% cùng khối lượng giao dịch tăng vượt trội.

Tin liên quan

Đọc tiếp