Petrolimex có một năm doanh thu cao nhưng lợi nhuận không như kỳ vọng. |
Năm 2022, giá dầu thế giới biến động mạnh, do xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt lên Moskva; Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn do Covid-19. Tháng 6/2022, giá dầu đạt mức kỷ lục khi vượt mốc 120 USD/thùng.
Tới tháng 8/2022, mặc dù sụt giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng bình quân năm 2022, giá dầu WTI ước tính vẫn đạt mức 94,5 USD/thùng, cao hơn nhiều nhiều so với mức 67,99 USD/thùng trong năm 2021.
Giá dầu ở mức cao đã đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí trong năm nay. Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) ước tính doanh thu công ty đạt 9.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.094 tỷ đồng, lần lượt vượt 41% và 128% kế hoạch năm.
Công ty cho biết, năm 2022, bối cảnh giá dầu biến động liên tục do ảnh hưởng của những bất ổn về chính trị - kinh tế, dẫn đến giá mua bán tàu tăng đột biến. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét khiến công tác chuẩn bị đầu tư và tìm mua tàu phù hợp đảm bảo hiệu quả dự án đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, một số đơn vị thành viên PVTrans đã có sự chuẩn bị từ cuối năm 2021 trong việc hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác 02 tàu chở dầu/hóa chất 13.000 DWT, 01 tàu chờ dầu/hóa chất 20.000 DWT, 01 tàu chở hàng rời Supramax và 01 sà lan chờ hàng rời 10.000 DWT.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã ký hợp đồng thuê bareboat và đưa vào khai thác 01 tàu chở dầu/ hóa chất 20.000 DWT, 01 tàu chở LPG 5.000 CBM và 01 tàu chở hàng rời Handysize; bán/thanh lý thu hồi vốn một số tàu già, như tàu PVT Athena, Song Hau.
CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2022 từ sớm. Doanh thu cả năm 2022 của công ty ước đạt 165.500 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 12.176 tỷ đồng, tăng 82%. Với kết quả này, BSR đã vượt 81% mục tiêu về doanh thu và gấp 9 lần mục tiêu về lợi nhuận cho cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục mà BSR đạt được kể từ khi hoạt động đến nay.
Theo lãnh đạo công ty, việc về đích trước kế hoạch đề ra có yếu tố thuận lợi khách quan là giá dầu thô, sản phẩm có xu hướng tăng, crack margin (chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô) tăng mạnh từ nửa đầu năm 2022. Đồng thời, BSR đã áp dụng các giải pháp linh hoạt nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, tận dụng các cơ hội để gia tăng sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng từ nhiên liệu dầu thô - sản xuất - phân phối sản phẩm không bị gián đoạn.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS) đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tài chính so với kế hoạch; trong đó doanh thu và lợi nhuận năm 2022 cao nhất từ khi thành lập.
Cụ thể, tổng doanh thu cả năm của PV GAS đạt trên 100.000 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 13.300 tỷ đồng, bằng 189% kế hoạch và tăng 51% so với năm 2021. Chỉ số tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) đạt trên 14%, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt trên 22%. PV GAS tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức 25%.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (mã OIL) cũng lần đầu ghi nhận doanh thu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 763 tỷ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch năm; tuy nhiên đây là con số giảm 18% so với năm 2021.
PVOIL cho biết Tổng công ty đã chịu tổn thất không nhỏ trong giai đoạn quý 3 khi giá dầu giảm sâu và nguồn cung khan hiếm trong khi vẫn phải đảm bảo bán hàng liên tục, ổn định. Trong quý 3 năm nay, PVOIL đã lỗ trước thuế hơn 371 tỷ đồng. Ước tính trong quý 4, PVOIL đạt doanh thu khoảng 20.383 tỷ đồng và lãi trước thuế 147 tỷ đồng.
Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã PVD) dự kiến doanh thu năm 2022 đạt 5.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% so với kế hoạch năm và 27% so với năm trước. Như vậy riêng trong quý IV, doanh thu của công ty khoảng 1.577 tỷ đồng, tăng 18% so với quý cùng kỳ, cao nhất tính từ quý II/2020.
Mặc dù vậy, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến động tình hình tài chính thế giới dẫn đến tăng tỷ giá, tăng lãi suất nên PV Drilling dự kiến kết quả lợi nhuận năm 2022 không đạt được như kỳ vọng. Theo báo cáo tài chính quý III, 9 tháng đầu năm, công ty đã lỗ ròng hơn 150 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX) chưa công bố các chỉ số kinh doanh. Tuy nhiên trong tờ trình nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, PLX tăng 29% chỉ tiêu doanh thu từ 186.000 tỷ đồng lên 240.000 tỷ đồng, song giảm 90% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ 3.060 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng.
Chỉ tiêu doanh thu công ty mẹ tăng 35,3%, từ 133.000 tỷ đồng lên 180.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 94%, từ 1.860 tỷ đồng, về dự kiến 100 tỷ đồng.
Theo Petrolimex, 9 tháng đầu năm 2022, đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng. Do đó, nhu cầu xăng dầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng.
Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn của tập đoàn. Lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh vào những chu kỳ xu hướng giá tăng dẫn đến tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
PLX đề xuất giảm 90% mục tiêu lợi nhuận năm do tình hình chi phí tạo nguồn thực tế tăng cao hơn chi phí tạo nguồn kết cấu trong giá cơ sở; chi phí tạo nguồn nhập khẩu tăng để bù lượng cấp thiếu từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng và ảnh hưởng do điều chỉnh tỷ giá.