Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" |
Tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tổ chức ngày 18/7, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố; chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại hội thảo. |
Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.
Song đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, sẽ khiến khoảng 39% diện tích và 35% dân số Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (Kiên Giang), TP Cà Mau, TP Sóc Trăng, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP Cần Thơ.
Trước thực trạng trên, Ban Kinh tế Trung ương cho biết Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu riêng đối với phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia tại hội nghị làm rõ mô hình phát triển bền vững cho các đô thị vùng và làm thế nào để tích hợp rủi ro vào quy hoạch và chính sách phát triển đô thị của các đô thị.
Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững cho vùng, đại diện Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) cho rằng, quy hoạch vùng giữ vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần nắm rõ các hiện tượng thiên nhiên, hiểm họa thiên tai và vai trò của đầm lầy để có kế hoạch xây dựng công trình điều tiết, công trình phòng hộ và đê điều.
Đóng góp ý kiến, bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, do đây là khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt nên trong quy hoạch cần xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn theo hướng kết hợp phi tập trung và tập trung “nén”, trong đó chú trọng “dành chỗ cho nước”; đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kĩ thuật với giải pháp phát triển giao thông - thủy lợi và liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp, tương thích.
Các địa phương trong khu vực cần quán triệt phương châm sống chung với lũ kết hợp với trị thủy, kiến tạo không gian cho nước.
Với vai trò là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát triển đô thị xanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết: "Để từng bước cụ thể hóa các nội dung phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy". Hiện nay, dự án đã được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua chủ trương đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.211 tỷ đồng (tương đương 44,5 triệu Euro), sử dụng nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh, thời gian thực hiện năm 2023 - 2026".
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh tại hội thảo. |
"Mục tiêu của dự án này là xây dựng đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn và đảm bảo xứng tầm phát triển là một trong các đô thị hạt nhân của tỉnh", ông Thanh cho hay.