Năng lượng tái tạo Việt Nam đang hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản

NĂNG LƯỢNG KEPCO
14:51 - 03/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển dịch sang năng lượng xanh là xu hướng tất yếu mà Việt Nam đang lựa chọn và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các tập đoàn năng lượng lớn đến từ Nhật Bản.

Thêm một “ông lớn” ngành năng lượng Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam

Tập đoàn Điện lực Kansai – KEPCO (Nhật Bản) vừa khai trương công ty con - Công ty TNHH Giải pháp Năng lượng Kansai Việt Nam – KESV ngày 30/9, chính thức gia nhập thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam.

Tại Việt Nam, hoạt động chính của KESV là cung cấp dịch vụ quản lý năng lượng (EMS), hỗ trợ khách hàng trong việc khử carbon và cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng.

KESV cung cấp dịch vụ trọn gói tại chỗ bao gồm từ mua sắm thiết bị, lắp đặt đến vận hành và bảo trì hệ thống năng lượng tại địa điểm của khách hàng như năng lượng mặt trời và máy làm lạnh nước, đồng thời cung cấp năng lượng như điện và nhiệt.

Một mảng hoạt động khác của KESV là kinh doanh Chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC. Đây là một loại chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) được đưa ra để chứng nhận một lượng điện năng nhất định được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. I-REC được sử dụng tại các nước và khu vực chưa có hệ thống chứng nhận năng lượng xanh như châu Phi, Nam Mỹ, châu Á… trong đó có Việt Nam.

Lãnh đạo KEPCO và KESV tại buổi lễ khai trương.

Lãnh đạo KEPCO và KESV tại buổi lễ khai trương.

KEPCO đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và carbon thấp tại Nhật Bản. Bà Tanaka Rena, Giám đốc phân vụ Zero Carbon của KEPCO, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi không phải chỉ lắp đặt thiết bị mà còn hướng tới giảm lượng tiêu thụ năng lượng liên tục của khách hàng”.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Việt Nam trong phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đại diện KEPCO cho rằng thị trường này sẽ còn phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều trong tương lai.

Tại Nhật Bản, KEPCO chịu trách nhiệm cung cấp điện cho toàn bộ khu vực phía Tây của đất nước - được gọi là vùng Kansai, trong đó có các thành phố lớn như Osaka, Kyoto và Kobe. Tổng công suất các cơ sở phát điện của KEPCO là khoảng 29GW, doanh số bán điện hàng năm là 100TWh, và doanh thu hoạt động hàng năm là 21 tỷ USD trong tài chính 2021.

KEPCO có danh mục đầu tư phát điện đa dạng, bao gồm năng lượng hạt nhân, nhiệt điện, thủy điện và năng lượng tái tạo. Tập đoàn có ba nhà máy điện hạt nhân dọc theo bờ biển phía bắc của khu vực Kansai, các nhà máy điện khí, than, dầu và hơn 150 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt là 8,2GW. Ngoài ra, KEPCO đã lắp đặt nhiều loại tài sản phát điện tái tạo khác gồm điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển mới năng lượng tái tạo ở quy mô 5GW tại Nhật Bản vào năm 2040.

KEPCO đã tham gia tổng cộng 22 dự án trong lĩnh vực phát điện và truyền tải điện tại 11 quốc gia bao gồm Philippines, Đài Loan, Singapore, Australia, Lào, Indonesia, Mỹ, Ireland, Vương quốc Anh, Đức và Phần Lan. Công suất phát điện của doanh nghiệp IPP của KEPCO đối với tỷ lệ đầu tư là khoảng 2.878MW. Tại Việt Nam, KESV được thành lập từ tháng 12/2021.

Năng lượng tái tạo Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản

Sojitz Việt Nam là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Hoạt động đầu tư đa ngành, Sojitz hiện có hơn 20 công ty con tại Việt Nam từ trồng rừng sản xuất dăm gỗ, sản xuất giấy, phát triển vận hành khu công nghiệp, kinh doanh năng lượng, sản xuất lương thực thực phẩm…

Năm 2021, cùng với các đối tác, Sojitz Việt Nam đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái các nhà máy tại khu công nghiệp do công ty quản lý với công suất khoảng 10.000kW. Ước tính lượng khí thải tại khu công nghiệp này trong một năm có thể giảm 5.800 tấn.

Không chỉ riêng Sojitz, những năm gần đây đã có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Như JFE Engineering Corporation (thành viên Tập đoàn JFE Holding), đã liên doanh với Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành để phát triển Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng T&J tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Dự án này có công suất 500 tấn/ngày đêm, tổng diện tích 4,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 58 triệu USD. Nhà máy được khởi công cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành, vận hành thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động năm 2023. Đây là dự án vận dụng cơ chế JCM hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản và được cấp vốn từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) của Nhóm Ngân hàng thế giới và Tài chính Hỗn hợp Phần Lan - IFC cho Chương trình Khí hậu.

Cũng trong năm 2021, Tập đoàn EREX đã đi khảo sát tại 16 tỉnh, thành phố của Việt Nam để lên kế hoạch xây dựng 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 1.500 MW.

Hay Công ty Năng lượng tái tạo Shizen Energy có trụ sở tại Fukuoka đã thành lập liên minh vốn với Tập đoàn Điện lực Kyushu thông qua một công ty con vào tháng 5 vừa qua nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

TEPCO Holdings cũng đang có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam với hoạt động kinh doanh tấm pin mặt trời trên mái nhà.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, JERA - một trong những công ty phát điện lớn nhất Nhật Bản, đã công bố sẽ chi khoảng 15 tỷ yên (tương đương 112 triệu USD) để mua lại 35,1% cổ phần của Công ty CP Điện Gia Lai - GEC để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Mới gần đây, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cùng với một công ty Việt Nam - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hamek, đã đề xuất xin cấp phép khảo sát một dự án điện gió ngoài khơi. Dự án này được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lựa chọn là “Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh châu Á” đóng góp cho mục tiêu trung hòa carbon cũng như cho việc áp dụng công nghệ giảm phát thải carbon của Việt Nam.

Nhà máy điện gió tại tỉnh Quảng Trị do PC1 và Renova thực hiện.

Nhà máy điện gió tại tỉnh Quảng Trị do PC1 và Renova thực hiện.

Trước đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp khoản vay lên tới 25 triệu USD để xây dựng các dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị. Đó là các dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên với tổng công suất 144 MW do Công ty Cổ phần Xây lắp điện I (PC1) của Việt Nam và Tập đoàn Renova Inc. của Nhật Bản đầu tư đã chính thức được công nhận vận hành thương mại tháng 10/2021. Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 69 nhà máy điện gió do Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đã đi vào hoạt động.

Đối với các tập đoàn năng lượng lớn của Nhật Bản đã hoạt động tại thị trường Việt Nam từ lâu trong lĩnh vực khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, kinh doanh xăng, dầu nhớt như Mitsui, Marubeni, ENEOS, Idemitsu… cũng đang triển khai kế hoạch “xanh hóa” danh mục đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió, nhà máy sản xuất viên nén gỗ…

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản tổ chức tại Tokyo ngày 24/8 vừa qua, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác với 3 chủ đề chính, gồm: Tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ danh mục các dự án điện tái tạo của T&T; tham gia thị trường mua bán chứng chỉ giảm phát thải carbon; và cùng nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt. Cũng tại Diễn đàn này, các công ty Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme đề xuất về việc hợp tác phát triển năng lượng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, phát triển thị trường cho các sản phẩm enzyme…

Nâng tầm hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Tại Hội nghị các bên liên quan COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được tham vọng này, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các đối tác có kinh nghiệm, có công nghệ và nguồn lực tài chính. Là đối tác truyền thống của Việt Nam trong các vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm hợp tác cùng Việt Nam hiện thực hóa các cam kết.

Để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, chính phủ hai nước cùng các bộ ngành liên quan đã có định hướng hợp tác lâu dài và thường xuyên điều chỉnh các cơ chế phù hợp với tình hình mới. Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)”, bao gồm việc xây dựng lộ trình chuyển đổi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio thay mặt Chính phủ hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa hai Chính phủ cho giai đoạn 2021-2030
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio thay mặt Chính phủ hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa hai Chính phủ cho giai đoạn 2021-2030

Theo Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Ooka Toshitaka, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải theo cam kết tại COP26. Sự hỗ trợ được thực hiện từ khâu lập chiến lược, xây dựng chính sách lâu dài cho đến thực hiện các tín chỉ chung JCM thoát carbon cũng như các hợp tác toàn diện hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Về cơ chế JCM, ông Haga Akihiko, Phụ trách các dự án về môi trường, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam có gần 40 dự án đã được lựa chọn để vận dụng cơ chế JCM. Hiện đã có website về cơ chế JCM, doanh nghiệp Việt Nam và các nước khác có thể truy cập để đăng ký và lựa chọn đối tác Nhật Bản với công nghệ phù hợp.

Sau đó, các bên có thể đề xuất nhận hỗ trợ từ cơ chế này với mức hỗ trợ nhiều nhất là 50% kinh phí đầu tư, giảm đáng kể chi phí ban đầu lại ứng dụng được những công nghệ tiên tiến nhất. Cơ chế JCM được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai chính phủ và mới đây, cơ chế này đã được ký tiếp để kéo dài đến năm 2030.

Tin liên quan

Đọc tiếp