Sứ mệnh Crew-7 tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khởi hành từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida, Mỹ. Ảnh: NASA |
Theo CNN, phi hành đoàn 4 người đang góp mặt trong sứ mệnh mang tên Crew-7 bao gồm tàu Crew Dragon Endurance và tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Vào sáng sớm ngày 26/8 theo giờ địa phương, sứ mệnh chính thức cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA tại bang Florida, Mỹ.
Sau khi đến quỹ đạo, Crew Dragon tách khỏi tên lửa Falcon 9 và bắt đầu chuyến hành trình một mình xuyên quỹ đạo. Theo NASA, tàu vũ trụ sẽ mất hơn 24 giờ di chuyển cẩn thận về phía trạm vũ trụ vốn có quỹ đạo cách bề mặt Trái đất khoảng 420 km. Phi hành đoàn dự kiến sẽ cập bến trạm vũ trụ IS vào khoảng 8h39 sáng Chủ nhật theo giờ miền đông nước Mỹ.
4 phi hành gia tham gia vào sứ mệnh bao gồm chỉ huy sứ mệnh Jasmin Moghbeli của NASA, phi hành gia người Đan Mạch Andreas Mogensen đại diện cho Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), phi hành gia Satoshi Furukawa thuộc Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản, hay JAXA và cuối cùng là nhà du hành vũ trụ người Nga Konstantin Borisov của Roscosmos.
Trong số các phi hành gia, ông Borisov trở thành nhà du hành vũ trụ thứ 3 cùng cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, bay trên tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất như một phần của thỏa thuận được ký kết giữa NASA và Roscosmos vào năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên ông thực hiện một chuyến bay vào vũ trụ.
Chia sẻ chuyến đi lên trạm vũ trụ từ lâu đã là một truyền thống của NASA và Roscosmos. Tuy nhiên, kể từ khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang diễn ra, có nhiều lo ngại cho rằng tất cả sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực không gian đều sẽ bị đình chỉ.
Bất chấp các căng thẳng, cả NASA và Roscosmos đã nhiều lần khẳng định căng thẳng trên mặt đất không ảnh hưởng gì đến sự hợp tác đang diễn ra của các nước trong lĩnh vực không gian.
Một khi tới ISS, các phi hành gia Crew-7 sẽ dành khoảng 5 ngày để tiếp quản các hoạt động từ các phi hành gia SpaceX Crew-6, những người đã ở trên trạm vũ trụ kể từ tháng 3 đầu năm.
Trong thời gian ở trên trạm vũ trụ, dự kiến kéo dài khoảng 190 ngày, các phi hành gia của Crew-7 sẽ nghiên cứu một loạt các thí nghiệm, trong đó bao gồm việc điều tra nguy cơ tiềm ẩn phát tán vi khuẩn và nấm từ các sứ mệnh không gian do con người lãnh đạo. Nhóm nghiên cứu sẽ phân tích xem liệu các vi sinh vật có thể bị trục xuất khỏi lỗ thông hơi của trạm vũ trụ vào không gian hay không.
Thêm vào đó, một nghiên cứu khác của ESA sẽ điều tra xem việc ngủ trong môi trường vi trọng lực khác với Trái đất như thế nào thông qua phân tích sóng não của các phi hành gia khi họ ngủ gật. Một thí nghiệm khác sẽ xem xét sự hình thành màng sinh học trong nước thải trên trạm vũ trụ để có thể tìm ra phương pháp tái chế tốt hơn.
Theo CNN, sứ mệnh Crew-7 đánh dấu chuyến bay thứ 8 do NASA và SpaceX khai thác như một phần trong chương trình phi hành đoàn thương mại nhằm đưa các phi hành gia lên ISS kể từ sứ mệnh đầu tiên của SpaceX vào năm 2020.