Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: BRICS Russia 2024 |
Theo hãng tin RT dẫn lời ông Ryabkov ngày 17/10, ông nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran sẽ để lại hậu quả “thảm khốc”. Ông cho biết Nga “đã nhiều lần cảnh bảo và sẽ tiếp tục cảnh báo Israel không nên cân nhắc về khả năng” thực hiện các vụ tấn công này.
“Đây sẽ là một diễn biến thảm khốc và phủ nhận hoàn toàn mọi tiên đề hiện có trong lĩnh vực đảm bảo an toàn hạt nhân,” Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết.
Ngày 11/10 trước đó trong khuôn khổ một buổi họp báo tại Vientiane, Lào, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng từng đưa ra cảnh báo Israel không nên tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Ông tuyên bố rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ là một “hành động khiêu khích nghiêm trọng”.
Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang từ ngày 1/10 khi Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, nhằm đáp trả cho cái chết của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah, tướng Abbas Nilforoshan - phó chỉ huy các hoạt động của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng hàng loạt lãnh đạo khác. Đây là lần thứ hai Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp vào Israel, sau đợt tập kích bằng 300 tên lửa và máy bay không người lái hồi tháng 4.
Phản ứng lại việc này, các nhà lập pháp Israel đã kêu gọi các cuộc tấn công tàn phá vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Tehran, bao gồm cả các cơ sở hạt nhân của nước này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra cảnh báo rằng Iran đã “phạm sai lầm lớn” và “sẽ phải trả giá” trong khi người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari tuyên bố quân đội nước này sẽ “có hành động vào thời điểm và địa điểm thích hợp”, nhấn mạnh rằng cuộc tấn công của Iran “sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng khẳng định động thái trả đũa của nước này đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran sẽ “chính xác”, “bất ngờ” và “chết người”.
Ngày 9/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có một cuộc điện đàm trực tiếp kèo dài 30 phút với Tổng thống Mỹ Joe Biden – cuộc điện đàm đầu tiên sau gần 2 tháng giữa 2 nhà lãnh đạo. Sau khi cuộc gọi kết thúc, Thư ký Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết cuộc trò chuyện xoay quanh các phản ứng tiềm năng của Israel đối với cuộc tấn công của Iran.
Tuyên bố không nói cụ thể các phản ứng là gì, tuy nhiên trước đó vào ngày 3/10 khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Washington có ủng hộ Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran không, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận về điều đó”. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran.
Về phía Iran, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết Tehran sẽ sẵn sàng đáp trả. "Bất kỳ động thái tấn công quân sự, hành động khủng bố hoặc vượt qua lằn ranh đỏ nào đều sẽ phải đối mặt với phản ứng quyết liệt từ lực lượng vũ trang của chúng tôi," ông nói.
Mỹ đang thảo luận khả năng Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ Iran Ngày 3/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đang thảo luận về các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran để trả đũa cho vụ không kích Israel bằng tên lửa của Tehran. |
Bộ Quốc phòng Israel cảnh báo sẽ đáp trả Iran 'bất ngờ' và 'chết người' Phát biểu ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định động thái trả đũa của nước này đối với cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của Iran sẽ gây “bất ngờ” và “chết người”. |
Iran cảnh báo đáp trả Israel 'quyết liệt' nếu bị tấn công Trong cuộc trao đổi với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo rằng Tehran đã sẵn sàng để đưa ra phản ứng quyết liệt nếu Israel tấn công Tehran để trả đũa vụ phóng tên lửa đạn đạo hồi đầu tháng này. |