Xe tăng của quân đội Nga tại Mariupol, Ukraine hồi tháng 4/2022. Ảnh: AP |
Theo hãng tin RT dẫn lời ông Shoigu, Ukraine mất hơn 13.700 binh sĩ cùng khoảng 1.800 xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác riêng trong tháng 11 – những con số được ông miêu tả là thiệt hại “khổng lồ”. Ngoài ra, ông cũng cho biết nhiều binh lính Ukraine đã đầu hàng hàng loạt sau khi nhận ra rằng cuộc phản công của họ không tạo nên được thay đổi đáng kể nào.
Lần gần nhất Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra đánh giá về thương vong của quân đội Ukraine trong cuộc xung đột là hồi cuối tháng 10. Vào thời điểm đó, ông cho biết tổng thiệt hại về binh lính của Kiev từ khi bắt đầu cuộc phản công vào tháng 7 đã vượt quá 90.000 người.
Tính tới hiện tại, chính phủ Ukraine chưa đưa ra phản hồi về các con số thương vong trên của Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine trong cùng ngày báo cáo rằng Nga đã mất tổng cộng 319.820 binh sĩ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được khởi động ngày 24/2/2022, với 17.400 binh sĩ Nga được cho là đã thiệt mạng trong tháng 11.
Tuyên bố của Moscow được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công mùa hè của Ukraine diễn ra trong vài tháng qua được đánh giá là không tạo ra bước đột phá trên chiến trường như kỳ vọng. Quân đội Ukraine đã gặp khó khăn khi phải xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố và vượt các bãi mìn dày đặc do Nga tạo ra, khiến nhiều xe tăng và các phương tiện bọc thép khác do NATO cung cấp bị thiệt hại trong quá trình này.
Bản thân ông Valery Zaluzhny, tướng hàng đầu của Ukraine, cũng từng phát biểu rằng cuộc xung đột với Nga đã đi vào “bế tắc” và lực lượng vũ trang Ukraine có thể sẽ không sớm đạt được đột phá trong cuộc đối đầu. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phản đối đánh giá này khi cho rằng cuộc phản công vẫn đang ghi nhận tiến bộ trong một nỗ lực nhằm đưa Ukraine trở lại biên giới trước năm 2014.
Nhằm thể hiện sự ủng hộ cũng như cam kết của Washington đối với Kiev trong bối cảnh cuộc xung đột Israel – Hamas gây ra những rủi ro mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine ngày 20/11. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông tới Ukraine sau chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 4/2022 nhằm cam kết sự duy trì viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev cũng như để công bố gói hỗ trợ mới nhất trị giá 100 triệu USD cho quốc gia này.
Tính tới hiện tại, Ukraine đã nhận được hơn 44 tỷ USD viện trợ từ Mỹ và hơn 35 tỷ USD từ các đồng minh khác về các lĩnh vực bao gồm vũ khí, đạn, hệ thống phòng không, xe tăng chiến đấu tiên tiến của châu Âu và Mỹ và cuối cùng là cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn nữa trong bối cảnh cuộc phản công mùa hè không tạo ra được nhiều thay đổi và các quốc gia đồng minh bao gồm Ba Lan bắt đầu cắt giảm viện trợ với nguyên nhân cần duy trì khả năng chiến đấu đầy đủ để tự vệ.
Đặc biệt, nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine của Mỹ cũng gần như cạn kiệt. Lầu Năm Góc có thể gửi thêm khoảng 5 tỷ USD vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ của mình nhưng chỉ còn khoảng 1 tỷ USD để lấp đầy kho dự trữ trở lại. Trong một tuyên bố ngày 16/11, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết: “Những gói viện trợ đang trở nên nhỏ hơn do chúng tôi không biết khi nào Quốc hội sẽ thông qua gói bổ sung”.
Trong khi đó, thái độ phản đối viện trợ cho Ukraine đang ngày càng trở nên phổ biến trong số các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện.