Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Indian Express |
RT đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/4 đã nêu quan điểm của Nga về đề xuất ngừng bắn trong dịp Thế vận hội Olympic Paris 2024.
“Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức quân sự của chúng tôi đều nhận thấy rằng Ukraine thường sử dụng những ý tưởng và sáng kiến như vậy để tập hợp lực lượng và tái vũ trang. Điều này sẽ khiến việc xem xét các ý tưởng trở nên khó khăn hơn,” ông Dmitry Peskov cho biết.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nói thêm rằng Chính phủ Nga chưa nhận được bất kỳ đề xuất chính thức nào từ phía Chính phủ Pháp về vấn đề này.
Phản hồi của Điện Kremlin được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “sẽ làm tất cả mọi thứ có thể” để có được “thỏa thuận ngừng bắn Olympic” trong cuộc xung đột tại Dải Gaza và Ukraine trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè. Sự kiện thể thao này sẽ dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26/7-11/8 tại Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi muốn hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn Olympic và tôi nghĩ rằng đây là một dịp để tôi giao lưu nhiều hơn với các đối tác,” ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn hôm 15/4 với BFMTV.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng tiết lộ rằng ông sẽ yêu cầu sự giúp đỡ trong việc tổ chức một thỏa thuận ngừng bắn từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – dự kiến sẽ đến thăm Paris vào đầu tháng 5.
Hồi tháng 3, Tổng thống Pháp Macron đã lần đầu tiên đưa ra đề xuất về việc yêu cầu Nga tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội ở Paris.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết ông không thông tin nào về đề xuất của nhà lãnh đạo Pháp.
“Chúng tôi sẵn sàng xem xét mọi đề xuất, nhưng trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia và tình hình trên chiến trường. Tôi đã nói điều đó trước đây và tôi sẽ nói lại rằng chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng chúng không nên được tổ chức chỉ vì đối thủ của chúng tôi sắp hết đạn,” ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng bày hy vọng Kiev cần “thực sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bình thực sự lâu dài giữa hai nước chứ không phải tạm dừng trong vài năm để tái vũ trang”.
Bộ Ngoại giao Nga khi đó cũng đã ra tuyên bố kêu gọi Pháp nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.