Nga thông qua luật đình chỉ tham gia New START, khẳng định tuân thủ các giới hạn

New START Nga - Mỹ
08:18 - 23/02/2023
Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội Nga thông qua dự luật đình chỉ tham gia Hiệp ước New START, song Moscow vẫn khẳng định sẽ tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận về vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cho rằng quyết định trên của Moscow là "một sai lầm lớn". 

TASS đưa tin, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) ngày 22/2 đã nhất trí thông qua dự luật về việc đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại lại giữa Mỹ và Nga.

Trước đó, dự luật này được Tổng thống Vladimir Putin trình lên Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) và được cơ quan này thông qua. Dự luật này sẽ có hiệu lực ngay tại thời điểm được công bố chính thức. Quyết định khôi phục tham gia hiệp ước sẽ do Tổng thống Nga đưa ra.

Các nhà lập pháp Nga tham dự phiên họp tại Hạ viện của Quốc hội Nga, ngày 22/2. Ảnh: CNN
Các nhà lập pháp Nga tham dự phiên họp tại Hạ viện của Quốc hội Nga, ngày 22/2. Ảnh: CNN

Theo Reuters, mặc dù ra quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START, các quan chức quốc phòng cấp cao Nga khẳng định Moscow sẽ vẫn tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận về tên lửa hạt nhân và tiếp tục thông báo cho Mỹ về những thay đổi trong việc triển khai hạt nhân của nước này.

Phát biểu tại Hạ viện Nga, Thiếu tướng Yevgeny Ilyin cho biết Nga sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế đã nhất trí đối với các hệ thống phân phối hạt nhân (như tên lửa và máy bay ném bom chiến lược).

Ông cũng khẳng định Moscow sẽ tiếp tục thông báo cho Washington về việc triển khai vũ khí hạt nhân để "ngăn chặn các tín hiệu sai lầm, điều quan trọng để duy trì sự ổn định chiến lược”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng: “Tôi không tin quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START sẽ đưa chúng ta đến gần chiến tranh hạt nhân hơn", theo Interfax.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động tiếp theo của Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả mục đích thực hiện các biện pháp đối phó tiếp theo, nếu cần thiết", ông nhấn mạnh.

Bình luận về quyết định của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/2 tuyên bố Moscow đã "sai lầm rất lớn và hành động rất thiếu trách nhiệm". Tuy nhiên, ông cũng nhận định: "Tôi không cho rằng đây là dấu hiệu Tổng thống Nga Vladimir Putin đang xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân".

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Nga "sai lầm" khi ra quyết định đình chỉ tham gia New START. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Nga "sai lầm" khi ra quyết định đình chỉ tham gia New START. Ảnh: Reuters

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 21/2 cho rằng quyết định của Nga là "vô cùng đáng tiếc". "Tôi mạnh mẽ khuyến khích Nga xem xét lại quyết định của mình và tôn trọng các thỏa thuận hiện có”, ông Blinken nói.

Tổng thư ký NATO và nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo động thái của Nga có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục thực thi đầy đủ Hiệp ước New START. Ông cảnh báo "một thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra".

Cũng trong ngày 22/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế về số lượng phương tiện mang đầu đạn hạt nhân được nêu trong New START. Bộ Ngoại giao Nga trước đó cũng tuyên bố Moscow sẽ tuân thủ các hạn chế trong hiệp ước.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hiện là trụ cột duy nhất còn lại trong việc kiểm soát hạt nhân song phương giữa Moscow và Washington, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.

Hiệp ước New START được Mỹ và Nga thực thi từ năm 2011. Đến năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký gia hạn New START thêm 5 năm, kéo dài thỏa thuận đến năm 2026.

Tin liên quan

Đọc tiếp