Ngành chăn nuôi sẽ 'rũ bùn đứng dậy' từ nửa cuối năm 2023?

BaF Việt Nam Dabaco
10:12 - 12/05/2023
Cửa hàng tiêu thụ thịt heo của BAF.
Cửa hàng tiêu thụ thịt heo của BAF.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành chăn nuôi thời gian qua gặp khó khăn khi giá thức ăn neo ở mức cao trong khi giá thịt heo lại giảm. Sự khó khăn đã phản ánh rất rõ vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp như BAF, Dabaco, Hoàng Anh Gia Lai…, với biên lợi nhuận ở mức rất thấp.

Trong quý 1/2023, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 4 tỷ đồng, giảm 96%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,2% về còn 7,8%. Đây là mức lợi nhuận quý thấp kỷ lục của công ty từ khi niêm yết tới nay.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – các chi phí), lợi nhuận của BaF Việt Nam âm gần 3,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 107 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ là nhờ lợi nhuận khác.

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) cũng kinh doanh dưới giá vốn trong 3 tháng đầu năm 2023. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp ghi nhận âm 70 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 254 tỷ đồng. Cộng thêm các chi phí, lợi nhuận sau thuế của DBC âm 320 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 8,6 tỷ đồng. Đây là quý lỗ kỷ lục của công ty.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) mang về 1.696 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 1/2023, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng gần 18%. Tuy nhiên mảng chăn nuôi heo chỉ mang về vỏn vẹn 2 tỷ đồng lợi nhuận gộp (chưa trừ chi phí), khi doanh thu đạt 563 tỷ đồng nhưng giá vốn chiếm tới 561 tỷ đồng.

Lợi nhuận của HAG tăng trưởng là nhờ doanh thu từ trái cây đạt 710 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; giá vốn bán chỉ chiếm 360 tỷ đồng.

Tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 2 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAG cho biết, vào giai đoạn cuối năm 2022, giá heo giảm xuống thấp dẫn đến kết quả không như kỳ vọng, nhưng may mắn là giá chuối tăng. HAGL cũng may mắn hơn các doanh nghiệp khác là tận dụng chuối thải để nuôi heo nên không những không lỗ mà vẫn có lãi. Nếu không có chuối, heo của HAGL chắc chắn lỗ. HAGL cũng xác định mảng heo không có lợi nhuận trong năm 2023.

Nguồn: VCBS.

Nguồn: VCBS.

Nguồn cung sụt giảm và sức mua tăng trở lại

Trong báo cáo triển vọng ngành chăn nuôi heo cập nhật ngày 11/5, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, sang nửa tháng 4/2023, giá thịt heo Việt Nam bắt đầu tăng nhẹ, dao động quanh mức 49.900-51.300 đồng/kg.

Nguyên nhân một phần là do dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát trở lại, khiến người dân lo ngại tích trữ thực phẩm nhiều hơn. Đồng thời, tốc độ tăng của đàn heo ở Việt Nam cũng đang giảm dần trong thời gian gần đây, giảm lần lượt từ 10,4%; 8,6% về 6,2% so với cùng kỳ trong 3 tháng đầu năm 2023.

Theo VCBS, trong giai đoạn 2016-2022, người dân Việt Nam có xu hướng chuyển sang tiêu thụ các loại thịt cao cấp hơn như thịt bò, gia cầm và hải sản, giảm tiêu thụ thịt heo. Do thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng liên tục từ 3-9% từ mức 2.761 USD/người/năm ở năm 2016 lên 4.100 USD/ người/năm ở năm 2022. Tuy nhiên, thịt heo vẫn là nguyên liệu cho nhiều món ăn truyền thống của người Châu Á nên xu hướng giảm sẽ chững lại ở mức nhất định.

Theo dự báo của OECD, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030. Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/người.

Với góc nhìn ngắn hạn, VCBS cho rằng, lạm phát hạ nhiệt từ cuối tháng 3, chi tiêu người dân có thể sớm phục hồi. Nguồn cung nội địa cuối năm được kỳ vọng sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá heo giảm, giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi (chiếm 38% sản lượng nội địa) e ngại tái đàn. Quy mô đàn nái tại Trung Quốc có dấu hiệu giảm, song năng suất tốt, theo đó nguồn cung thịt heo nước này được dự báo sẽ cao cho tới giữa năm, và giảm dần vào cuối năm.

Vì vậy, nhóm phân tích kỳ vọng giá thịt heo sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023, khi nguồn cung sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-41% qua các năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 10/5 vừa qua, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF cho biết, giá heo hơi chạm đáy ở vùng 49.000-50.000 đồng/kg và ở đó, không xuống thêm được nữa. Với giá này thì nông dân nhỏ lẻ nếu giữ được đàn trong dịch, sẽ lỗ. Bởi vì giá vốn của họ là 53.000-54.000 đồng/kg, ai làm tốt hơn thì 51.000-52.000 đồng/kg.

Mặt khác, dịch tả lợn đang hoành hành từ cuối năm ngoái và gần như trên thế giới chưa có vắc xin. Với diễn biến dịch. Với diến biến đó, câu chuyện giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg như năm 2020, theo ông Bá là hoàn toàn có thể.

Với góc nhìn chắn chắn hơn, Chủ tịch BAF cho biết, giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục vì nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả lợn càn quét tổng đàn. Cuối tháng 5 cho đến hết quý 2 năm sau, giá heo hơi bình quân sẽ rơi vào khoảng 60.000-65.000 đồng/kg.

Chủ tịch BAF chia sẻ thêm, trong bối cảnh như trên, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ đi xuống. Từ mức nhỏ lẻ chiếm 70% tổng đàn trên toàn Việt Nam trước đây, hiện tại đang giảm còn 50% và tương lai sẽ khoảng 20-30%. Đây chính là cơ hội cho những nhà chăn nuôi hiện đại.

Tin liên quan

Đọc tiếp