'Ngành ngân hàng đi trước một bước về chuyển đổi số'

NGÂN HÀNG Việt nAM
00:51 - 29/09/2022
Tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" - Ảnh: VGP
Tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá về xu hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng NHNN đã có những bước chủ động 'đi rất nhanh về chính sách'.

Quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, quy trình, chính sách

Khen ngợi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc tạo dựng chính sách hỗ trợ xu hướng số hoá, chuyển đổi số, TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN cho rằng, NHNN "đã có những bước chủ động đi rất nhanh về mặt thể chế", ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán đã được "đưa ngay vào tầm nhìn" của cơ quan này.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.

"Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng," ông Hoè nói.

Cũng chia sẻ tại cuộc toạ đàm "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" ngày 28/9 Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đánh giá rằng ngân hàng là ngành đầu tiên "đi trước một bước" về chuyển đổi số và toàn ngành cũng như người dân hưởng lợi từ những quyết định đầu tư này.

"Các ngân hàng thương mại luôn tập trung nguồn lực lớn về vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số", ông Hùng liệt kê: "VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… là những ngân hàng chuyển đổi số đầu tiên và đưa vào ứng dụng sớm nhất", thu được kết quả rất khích lệ trong kinh doanh và lợi nhuận.

Thách thức về khung pháp lý

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên các ngân hàng thương mại cũng vấp phải nhiều khó khăn khi triển khai, như thách thức về khung pháp lý và chi phí đầu tư.

"Theo khảo sát có dưới 50% ngân hàng bỏ ra 3% chi phí, còn lại khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí cho công nghệ. Mà 13% cho IT thì không hề đơn giản", ông Hòe nhận xét.

Thách thức thứ ba là vấn đề bảo mật, hacker tấn công trên không gian mạng và nhu cầu đào tạo, tuyển dụng nhân sự về công nghệ thông tin.

Ngoài ra, các thách thức khác được kể đến như mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số. Đặc biệt, sản phẩm số chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ ngày nay.

Đại diện Vụ Thanh toán của NHNN tại cuộc toạ đàm, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức nêu trên cho biết, NHNN đang xây dựng trình Chính phủ hai nghị định, một là về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 năm 2012 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính.

“Hai dự thảo nghị định này cũng là một điểm đổi mới, để làm sao tạo thuận lợi hơn cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán, hoạt động ngân hàng thời gian tới”, đại diện Vụ Thanh toán chia sẻ.

Xác định chuyển đổi số phải lấy khách hàng làm trọng tâm

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, đối với các ngân hàng thương mại, điều đầu tiên là chuyển đổi nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định lấy khách hàng là trọng tâm, cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng."

Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong: "Phải đào tạo con người ngành mình phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức", ông Hùng nói.

Thứ ba, các ngân hàng phải nhận thức về việc phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền.

Đặc biệt, cần làm mọi thứ dễ hiểu, dễ sử dụng và an toàn. "Cần hết sức quan tâm là làm tốt đến mấy mà người dân, người sử dụng sản phẩm của mình không hiểu, không chia sẻ được thì cũng không được", ông Hùng nhận xét.

Ảnh tác giả

Vì vậy các ngân hàng thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả.

Đảm bảo làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị kẻ xấu tấn công tài khoản. Tất cả những việc như vậy có thể xảy ra nhưng người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Các ngân hàng thương mại cần có trách nhiệm tổng hợp những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong thực tiễn để chuyển đến cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời nhất đảm bảo ứng dụng an toàn, hiệu quả.

Trong thời gian tới không chỉ riêng ngành ngân hàng mà tất cả các ngành khác cũng sẽ từng bước chuyển đổi số. Và khi sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử, chắc chắn ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ có rất nhiều việc phải làm. "Tôi hy vọng các ngân hàng khi tham gia đóng góp Luật Giao dịch điện tử cần đối chiếu lại để phù hợp với quy định pháp luật áp dụng đảm bảo an toàn hiệu quả," ông Hùng bày tỏ.

Ngoài ra, ông Hùng giãi bày, ông mong muốn các cấp, các ngành và người dân hiểu, chia sẻ với ngành ngân hàng nói chung, cũng như các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số vì thời gian vừa qua, vẫn ghi nhận những chuyện như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản.

Tin liên quan

Đọc tiếp