Nghị định 08, bước đầu tiên tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu

nghị định 08 TRÁI PHIẾU
22:08 - 06/03/2023
Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ góp phần vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ góp phần vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Nghị định 08 là khung pháp lý quan trọng được thị trường chờ đợi từ lâu, trong bối cảnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể khi mặt bằng lãi suất đã tăng mạnh trong năm vừa qua.

Đánh giá về Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa được Chính phủ ban hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, điểm đáng chú ý nhất trong nghị định là quy định đàm phán kéo dài thời hạn trái phiếu.

Nhìn chung điều khoản nghị định chính thức khá tương đồng với các bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến thị trường, theo VCBS, việc có khung pháp lý chính thức giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian và không gian xử lý lượng trái phiếu đến hạn, đây là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đây cũng sẽ là bước đầu tiên tạo khung pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung. Các bước tiếp theo nhằm xử lý lượng trái phiếu chậm thanh toán gốc lãi sẽ bao gồm quá trình đàm phán các điều khoản, tài sản khác giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành.

Quá trình được dự báo tương đối phức tạp phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt. Mặc dù vậy, Nghị định 08 vẫn là khung pháp lý quan trọng được thị trường chờ đợi từ lâu trong bối cảnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể khi mặt bằng lãi suất đã tăng mạnh trong năm vừa qua.

Nhìn rộng hơn tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, VCBS cho rằng các khó khăn trung hạn vẫn tồn tại, bao gồm khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế. Đồng thời chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023. Nguồn: VBMA
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023. Nguồn: VBMA

Còn theo Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), từng điểm sửa đổi trong Nghị định 08 đều có tác động tích cực đến thị trường.

Quy định có thể thanh toán lãi, gốc đến hạn bằng tài sản khác đã tạo cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện đàm phán rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp về sau. Đồng thời cũng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu giảm nguy cơ vỡ nợ.

Việc cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều khoản, điều kiện của trái phiếu (trên cơ sở đàm phán với trái chủ) giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư, giảm nguy cơ vỡ nợ.

BSC cũng nhận định, quy định cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá 2 năm giúp giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đến hạn có điểm rơi cao trong năm 2023, 2024.

Cuối cùng là các quy định tạm ngưng hiệu lực thi hành việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại nghị định 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023.

BSC cho rằng các quy định trên sẽ giúp thêm thời gian cho các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành trái phiếu và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị nguồn lực, quy trình. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thời gian nhiều hơn để phân phối trái phiếu, từ đó có thể huy động được nhiều vốn hơn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong hai năm 2020 và 2021, với khối lượng phát hành lần lượt gần 462.000 tỷ đồng và 658.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau các vụ việc vi phạm về phát hành trái phiếu vào giữa năm ngoái, thị trường chững lại đột ngột.

Khối lượng phát hành năm 2022 chỉ đạt 255.000 tỷ đồng. Tháng 1 năm 2023, thị trường chỉ có một đợt phát hành thành công với giá trị huy động 110 tỷ đồng. Trong khi đó, sức ép đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng bởi doanh nghiệp gặp vấn đề thanh khoản và không thể phát hành trái phiếu mới để cơ cấu nợ.

VBMA ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay là hơn 290.000 tỷ đồng, tập trung nhiều vào quý 2 và quý 3.

Tin liên quan

Đọc tiếp