Nghị định 08: Giải pháp niềm tin sau giai đoạn "chuột chạy vỡ bình"

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
14:15 - 07/03/2023
TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
0:00 / 0:00
0:00
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Nghị định 08 tạo niềm tin nhất định cho thị trường, giải tỏa tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư sau giai đoạn "chuột chạy vỡ bình". Tuy nhiên vẫn có những điểm dễ gây băn khoăn khi thực hiện. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trao đổi với Mekong ASEAN xung quanh những điểm mới và những tác động kỳ vọng của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tới thị trường, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, một cách tổng quan nhất, Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tái cơ cấu lại các khoản nợ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Mở lối cho các doanh nghiệp còn có tài sản đảm bảo có cơ hội phát hành trái phiếu mới, thúc đẩy thị trường phục hồi và phát triển.

Đặc biệt, Nghị định giải toả tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo niềm tin nhất định cho thị trường về những điều hành chính sách của cơ quan quản lý. Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường đã trải qua một giai đoạn mà TS Lê Xuân Nghĩa gọi là "chuột chạy vỡ bình".

Giãn nợ 2 năm: Gỡ đúng điểm nghẽn của doanh nghiệp

Phân tích rõ hơn về những điểm mới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, đầu tiên, doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm. Đồng nghĩa, coi như doanh nghiệp được phát hành một đợt trái phiếu mới kỳ hạn 2 năm để đảo nợ nhưng chỉ chịu lãi suất thấp như đợt phát hành trước.

Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, một mặt giảm bớt căng thẳng thanh khoản, mặt khác, duy trì chi phí tài chính thấp như phát hành cách đây 2-3 năm khi mức lãi suất không đổi.

Theo ước tính trên báo cáo của VNDirect về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chưa tính tiền lãi) đến thời kỳ đáo hạn. Riêng trong năm 2023-2024, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn với lần lượt hơn 119.000 tỷ đồng và gần 112.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản còn nhiều áp lực trong 3-6 tháng tới vào giai đoạn cao điểm của trái phiếu đáo hạn. Ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong quý 2 khoảng 37.642 tỷ đồng, tăng 306,4% so với cùng kỳ năm trước và 65.905 tỷ đồng trong nửa cuối 2023, tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp đã loay hoay trong nghĩa vụ thanh toán nợ và đối diện nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Bằng chứng là, vào giữa tháng 2/2023, 54 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã thông báo chậm trả lãi.

"Từ những thực tế trên, tôi cho rằng, điểm đắt nhất của Nghị định 08 là quy định mới về kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm khi đi vào đúng trọng tâm, gỡ đúng điểm vướng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào thế kẹt", TS. Lê Xuân Nghĩa

Hoãn xếp hạng tín nhiệm chỉ là giải pháp tình thế

Điểm đáng chú ý thứ hai là tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến 2024. Theo ông Nghĩa, quy định này giúp cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp vẫn có thể mua vào được trái phiếu doanh nghiệp thay vì phải đáp ứng các điều kiện khá phức tạp.

Trong ngắn hạn, điểm mới này sẽ tạo hiệu ứng tích cực làm tăng lượng cầu mua vào trái phiếu doanh nghiệp, kích thích thanh khoản thị trường ấm lên.

Tuy nhiên, về lâu dài, xếp hạng tín nhiệm phải được coi là một giải pháp quan trọng để thị trường minh bạch. Chỉ xếp hạng tín nhiệm mới có khả năng cho nhà đầu tư biết doanh nghiệp này với số lượng trái phiếu phát hành đó có khả năng trả nợ hay không, nhà đầu tư cá nhân cần có công cụ như vậy.

"Hoãn xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có thể là biện pháp tình thế cho doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính, dòng tiền, thanh khoản... Song, dù không được quy định, nhà đầu tư cá nhân cũng nên yêu cầu doanh nghiệp phát hành cần có xếp hạng tín nhiệm trước khi đầu tư trái phiếu.

Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện các thủ tục, tránh tình trạng "đến hạn" vẫn loay hoay", TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Thanh toán trái phiếu bằng tài sản: Tôi miếng đất trong, anh miếng đất ngoài

Điểm băn khoăn, theo TS Lê Xuân Nghĩa, là quy định cho phép doanh nghiệp có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc theo quy định.

Theo ông Nghĩa, việc đàm phán nghe có vẻ khả thi nhưng thực tế rất phức tạp liên quan trực tiếp đến việc định giá tài sản.

"Chẳng hạn, nếu tài sản là dự án bất động sản hình thành trong tương lai, định giá thế nào, pháp lý ra sao, đây không phải câu chuyện đơn giản có thể dễ dàng đàm phán giữa doanh nghiệp và trái chủ", Ts Lê Xuân Nghĩa nói.

Chưa kể, giải pháp này có thể khả thi khi số lượng người mua trái phiếu của doanh nghiệp ít hoặc đơn lẻ, ngược lại, với những doanh nghiệp phát hành số lượng lớn trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, vấn đề đàm phán 1-1 lại càng khó khăn.

"Quy định này triển khai, sẽ còn nhiều tranh luận, giả sử doanh nghiệp đem toàn bộ tài sản ra thanh toán trái phiếu, dễ gì mà không xảy ra tình trạng tôi miếng đất trong, anh miếng đất ngoài", ông Nghĩa nói.

"Theo tôi, khả dĩ hơn cả là thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng cổ phần dự án với những điều khoản cam kết rõ ràng từ phía doanh nghiệp. Giải pháp này là đơn giản, tiết kiệm và công bằng nhất đối với các trái chủ. Song, việc đàm phán này vẫn phụ thuộc nhiều vào phía trái chủ để đảm bảo tối đa quyền lợi của họ", ông Nghĩa đề xuất.

Đọc tiếp