Nghiên cứu Luật Đầu tư mạo hiểm và quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo

Đổi mới quỹ đầu tư
13:48 - 19/12/2022
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Vietnam Venture Summit 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Vietnam Venture Summit 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.

Ngày 19/12 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022).

Làm rõ sự dịch chuyển dòng chảy tri thức, công nghệ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của các Quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam trong những năm qua.

Với chủ đề “Dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu”, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, cần làm rõ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế. Sự dịch chuyển đó không chỉ là dòng vốn mà còn là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Bởi vậy, tôi đề nghị Diễn đàn sẽ trao đổi sâu hơn, toàn diện hơn về dòng chảy giá trị, bao gồm cả tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn vốn trên thị trường, để thấy được những xu hướng, những thách thức và cả cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ rung chuông công bố vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ rung chuông công bố vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách về tài khóa và tiền tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sau Covid-19. Tạo tiền đề cho nhiều Quỹ đầu tư kết nối, tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, gặp gỡ doanh nghiệp, thúc đẩy các thương vụ đầu tư tại Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt gần 20 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng cao nhất của 11 tháng trong 5 năm trở lại đây.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường từ đầu năm đến hết tháng 11 tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021.

“Chứng tỏ một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, người đứng đầu ngành KH&ĐT nhấn mạnh.

Nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ tại Techfest Việt Nam 2022 nhấn mạnh “cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT trong thời gian tới sẽ là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Để công tác nghiên cứu đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, các startups cùng đồng hành với Bộ KH&ĐT nghiên cứu, thành lập cơ chế đầu tư, hỗ trợ thật hiệu quả, khai thác tốt các nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo.

Nhân rộng các hạt giống đổi mới sáng tạo

Là một trong những người Việt Nam tiên phong về đổi mới sáng tạo, TS. Vũ Duy Thức, đồng sáng lập và Giám đốc OhmniLabs chia sẻ lại kỷ niệm những ngày đầu khởi nghiệp, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đến thăm và động viên. Ông cho biết điều này đã là động lực để ông triển khai hệ thống robot dịch vụ trên thế giới.

Hệ thống của Ohmnilabs được sử dụng trong các cơ sở y tế, sức khỏe đến giáo dục thương mại với tệp khách hàng trị giá hàng triệu USD. Đặc biệt, Ohmnilabs có thể tự sản xuất lắp ráp robot ngay tại thị trường tiêu thụ chứ không cần qua một nước trung gian thứ ba.

TS. Vũ Duy Thức giới thiệu về các thiết bị trong hệ thống OhmniLabs.

TS. Vũ Duy Thức giới thiệu về các thiết bị trong hệ thống OhmniLabs.

“Điều này có tác dụng giải quyết các trở ngại y tế toàn cầu khi mà công việc chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều lên nhưng tiền lương còn chưa đáp ứng hết. Chúng tôi mong muốn sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất robot hàng đầu của khu vực và trên thế giới như những gì Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gửi gắm”, TS Vũ Duy Thức bày tỏ.

Một "hạt giống đổi mới sáng tạo" khác là ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Selex Motors. Được thành lập trong căn phòng vài chục m2 của Đại học Bách khoa Hà Nội bởi 3 kỹ sư của trường, ông Nguyên cho biết, Selex đã nắm bắt cơ hội chuyển đổi sang phương tiện nhiên liệu sạch theo xu hướng của thế giới.

Theo ông Nguyên, rõ ràng xe điện là một phương án tiềm năng nhưng gặp bất tiện về nạp năng lượng để mang lại sự tiện dụng. Selex Motors sau 4 năm nghiên cứu đã tạo ra hệ sinh thái cho hệ thống xe máy giao vận có trạm đổi pin tự động. Selex cũng tự hào là một trong những công ty hàng đầu Đông Nam Á sản xuất được công nghệ này.

“Khi khởi nghiệp tôi là một trong những người nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT. Với tinh thần đổi mới sáng tạo giữ nguyên vẹn từ những ngày đầu, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp của mình trên khắp Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện của Việt Nam”, nhà sáng lập Selex Motors chia sẻ.

Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực.

Số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 là: 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 - 2025 dự kiến sẽ đạt: 5 tỷ USD.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.